Chiêu quảng cáo tâng bốc?

Suốt thời gian vừa qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên tục nhận được phản ánh về sản phẩm “Nước ép cần tây GREEN BEAUTY” quảng cáo như “thần dược”, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm nước ép cần tây GREEN BEAUTY được Cục ATTP – Bộ Y tế cấp xác nhận quảng cáo số: 206/2022/XNQC-ATTP ngày 27/01/2022 cho Công ty TNHH xu hướng mới KOS (Địa chỉ: Số 8, ngõ 4, phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đức Bình, xác nhận công bố số: 8289/2019/ĐKSP cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng (Địa chỉ: Thôn Vĩnh Thịnh, Xã Đại Áng, Huyện Thanh Trì, Hà Nội), đại diện pháp luật là ông Vũ Tuấn Anh.

Cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi sử dụng nước ép cần tây quảng cáo sai công dụng? 

Theo phản ánh, nước ép cần tây GREEN BEAUTY được quảng cáo với nhiều công dụng như thần dược: “Làm sạch cơ thể từ bên trong, đào thải lượng mỡ thừa, mỡ nội tạng, lấy lại vòng eo thon gọn, nhẹ nhàng... Toàn bộ nội dung này được tổ chức kinh doanh quảng cáo sai công khai trên trang mạng xã hội.

Cụ thể, nước ép cần tây GREEN BEAUTY được giới thiệu là sự kết hợp từ các thành phần tự nhiên như tinh chất cần tây (70%), diệp lục, vitamin C, tảo xoắn, collagen, Glutathion... Từ đó, tổ chức kinh doanh cho rằng sản phẩm này giảm cân, thậm chí có khả năng tăng cường sức khỏe, thanh lọc cơ thể, giảm cholesterol, bảo vệ hệ tiêu hoá, giảm khô hạn và cân bằng nội tiết tố, giúp phòng ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp, thậm chí còn “nổ” ngăn ngừa, phòng chống ung thư.

Với những quảng cáo trên cho thấy tổ chức kinh doanh nước ép cần tây GREEN BEAUTY đang có dấu hiệu bất chấp sức khỏe của khách hàng khiến họ lầm tin vào những công dụng không có thật của sản phẩm.

Theo chuyên gia y tế, tình trạng tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ khiến tim làm việc nặng nề, mệt mỏi, áp lực tác động lên thành mạch máu lớn, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa mắt... Do đó, người tiêu dùng đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh của tổ chức nước ép cần tây GREEN BEAUTY ở đâu khi quảng cáo sản phẩm này điều trị bệnh cao huyết áp để khách hàng sử dụng sản phẩm mà bỏ qua cơ hội vàng điều trị bệnh.

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, nước ép cần tây GREEN BEAUTY quảng cáo khẳng định là sản phẩm chính hãng giúp khách hàng giảm cân bền vững. Do đó, có thể thấy những nội dung quảng cáo đều hướng tới mục đích “thổi phồng” chất lượng sản phẩm này.

Thậm chí, để người dùng tin tưởng và chi tiền mua sản phẩm, một số website còn khéo léo lồng ghép những video, chia sẻ của khách hàng, người nổi tiếng để quảng cáo như: diễn viên Thanh Thúy, PGS. TS. Trần Đình Toán, TS. BS Lê Thị Hải... Tuy nhiên, liệu những người này có thực sự dùng sản phẩm hay chỉ là chiêu quảng cáo đánh bóng, bởi từng có không ít người nổi tiếng bị gắn mác, lồng nghép quảng bá cho những sản phẩm tăng - giảm cân khác, chỉ khi cơ quan chức năng phát giác mới bị lộ tẩy, không loại trừ có trường hợp chứa cả chất cấm.

Vi phạm quy định về quảng cáo

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe GREEN BEAUTY Cần Tây – Tảo Xoắn – Diệp Lục – Collagen – Glutathion chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng khả năng chống oxy hóa, hỗ trợ hạn chế lão hóa da, hỗ trợ giúp da sáng mịn chứ không có tác dụng giảm cân nhanh chóng hay điều trị huyết áp cao, phòng chống ung thư... như quảng cáo.

Đồng thời quá trình cấp phép, Cục ATTP đã khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc, không dùng thay thế thuốc chữa bệnh. Thận trọng không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của sản phẩm. Thế nhưng trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này lại giới thiệu dành cho nhiều đối tượng và không hề có khuyến cáo như chỉ định.

Tổ chức kinh doanh nước ép cần tây tự "vẽ" ra công dụng để lừa dối khách hàng? 

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe GREEN BEAUTY Cần Tây – Tảo Xoắn – Diệp Lục – Collagen – Glutathion đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Trước thực trạng sản phẩm giảm cân đang làm loạn thị trường, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm giảm cân qua mạng xã hội, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để cơ thể khỏe mạnh người tiêu dùng nên có chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

Với những quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng “sập bẫy” đặt ra câu hỏi đạo đức của tổ chức kinh doanh sản phẩm GREEN BEAUTY Cần Tây – Tảo Xoắn – Diệp Lục – Collagen – Glutathion ở đâu? Đối với những quảng cáo có dấu hiệu sai phạm này Công ty TNHH xu hướng mới KOS hay Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng đã bị “tuýt còi” chưa? Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm.

 Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra với người tiêu dùng khi mua sản phẩm giảm cân qua mạng xã hội để rồi tiền mất, tật mang thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Điển hình, trường hợp một bà mẹ 24 tuổi đã thiệt mạng vì uống thuốc giảm cân mua trên mạng. Do ám ảnh cân nặng sau khi sinh con gái được một năm, chị G lên mạng tìm mua thuốc giảm cân. Sau 10 ngày uống chị giảm hơn 7 kg. Tuy nhiên, sau khi uống được một tháng, chị bị đau đầu dữ dội phải tìm đến bác sĩ.

Chị nhanh chóng được cho nhập viện với chẩn đoán bị phù não. Hai ngày sau, chị lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê, phải duy trì sự sống nhờ ống thở. Một tuần sau, bác sĩ quyết định rút ống thở vì xác định chị đã bị chết não. Theo các bác sĩ, loại thuốc giảm cân chị uống là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của chị.

Loại thuốc này được quảng cáo là liệu pháp giảm cân tự nhiên, dùng để giảm mỡ trong cơ thể nhưng không giảm cơ. Sau sự việc đau lòng xảy ra với chị G, các trang mạng rao bán loại thuốc này đã ngưng hoạt động. Nhà chức trách cũng đã tìm ra và xử lý nghiêm khắc.


Nguồn
Link bài gốc