Bamboo Capital: Lãi nhảy vọt, nợ thuế tăng gấp đôi, dòng tiền âm nặng, nợ chồng chất - 1

Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) gây chú ý khi liên tục đa dạng hóa ngành nghề của mình sang năng lượng và ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền của công ty có không ít vấn đề.

Lãi nhảy vọt

Năm 2021, Bamboo Capital ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 734 tỷ đồng, tương đương 276% so với năm 2020. Thành tựu này đến từ việc doanh thu cải thiện và hoạt động tài chính có nhiều đột biến.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của công ty tăng 763 tỷ đồng, tương đương 41,1% lên 2.618 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 2.346 tỷ đồng, tăng 1.492 tỷ đồng, tương đương 175%.

Trong doanh thu hoạt động tài chính, lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu mang về cho Bamboo Capital 913 tỷ đồng, cổ tức, lợi nhuận được chia rất thấp, chỉ đạt 87,2 triệu đồng, lãi tiền gửi, lãi cho vay đạt 37,4 tỷ đồng. Lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư chiếm tỷ trọng cao nhất 57,6% (tương đương 1.351 tỷ đồng).

Hợp đồng hợp tác đầu tư hứa hẹn sẽ mang về lợi nhuận cho Bamboo Capital nhiều hơn nữa khi mà tại thời điểm 31/12/2021, công ty còn khoản phải thu khác lên đến 9.045 tỷ đồng. Trong đó, đa số đến từ hợp tác đầu tư.

Cụ thể, Bamboo Capital có khoản phải thu trị giá 2.500 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Điện gió BCG Khai Long 1 về việc đầu tư phát triển dự án Dự án nhà máy điện gió KDL Khai Long – Giai đoạn 1, thời hạn hợp tác là 3 năm.

Khoản phải thu tại Công ty Cổ phần đầu tư Dịch vụ Orchid trị giá 1.278 tỷ đồng. Đây là hợp tác giữa công ty BCG Land và Orchid. Công ty cổ phần thương mại Vũ Tuân cũng phải trả Bamboo Capital 1.048 tỷ đồng.

Nợ thuế tăng gấp đôi

Mặc dù đạt mức lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử hoạt động nhưng Bamboo Capital lại gây bất ngờ khi nợ thuế.

Trong năm 2021, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp mà Bamboo Capital đã nộp là 252 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là 13,6 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại thời điểm 31/12/2021, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng mạnh, tăng 171 tỷ đồng, tương đương 141% so với năm 2020. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, lên tới 232 tỷ đồng. Đứng sau là phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác (16,4 tỷ đồng), thuế giá trị gia tăng (15,5 tỷ đồng), thuế khác (14 tỷ đồng), thuế tài nguyên (8,5 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (5,4 tỷ đồng).

Đây là năm Bamboo Capital ghi nhận lợi nhuận lập kỷ lục nhưng nợ thuế cũng cao nhất. Trước đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 12 tỷ đồng (năm 2020), 114 tỷ đồng (năm 2019), 58,4 tỷ đồng (năm 2018) và 42,6 tỷ đồng (năm 2017).

Nợ chồng chất

Nợ lớn cũng đang là một vấn đề của Bamboo Capital. Năm 2021, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tại Bamboo Capital lên tới 10.884 tỷ đồng, tăng 8.335 tỷ đồng, tương đương 327%; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 2.031 tỷ đồng lên 2.798 tỷ đồng.

Như vậy, tại thời điểm 31/12/2021, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 12.882 tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng nợ phải trả, chiếm 37,2% tổng nguồn vốn và cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Có thể thấy, Bamboo Capital dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay.

Nợ quá lớn nên Bamboo Capital phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay năm 2021 tại công ty tăng từ 303 tỷ đồng lên 1.012 tỷ đồng, thậm chí còn ngang ngửa lợi nhuận sau thuế cả năm.

Chủ nợ lớn nhất của Bamboo Capital là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Nếu như hồi đầu năm, dư nợ dài hạn tại VietinBank chỉ là 262 tỷ đồng thì tới cuối năm đã vọt lên 1.239 tỷ đồng; dư nợ vay ngắn hạn là 113 tỷ đồng.

Đứng sau VietinBank là Ngân hàng TMCP Nam Á (300 tỷ đồng vay ngắn hạn và 196 tỷ đồng dài hạn), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (116 tỷ đồng vay ngắn hạn và 94,9 tỷ đồng vay dài hạn),...

Ngoài ra, dòng tiền huy động từ trái phiếu tại Bamboo Capital cũng rất lớn. Năm 2021, Bamboo Capital ghi nhận giá trị trái phiếu tăng từ 2.724 tỷ đồng lên 8.793 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2021, Bamboo Capital lại có thêm đợt phát hành trị giá 500 tỷ đồng.

Âm nặng dòng tiền

Lợi nhuận cao kỷ lục nhưng do chuyển quá nhiều tiền ra bên ngoài nên Bamboo Capital âm nặng dòng tiền.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital là âm 9.012 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 2.226 tỷ đồng năm 2020; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 971 tỷ đồng, con số này năm 2020 là âm 614 tỷ đồng.

Dòng tiền bị âm nặng khi Bamboo Capital đẩy mạnh đầu tư nhưng hoạt động này lại khiến công ty lỗ 2.137 tỷ đồng. Các khoản phải trả rất lớn, lên đến 7.229 tỷ đồng.

Trần Định 

 
Nguồn
Link bài gốc