leftcenterrightdel
 

“Sống” bằng nợ

Công ty TNHH Quản lý bất động sản CapitaLand (CapitaLand) thành lập trong năm 2007 với ngành nghề chính “Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, cụ thể là Cung cấp các dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; Sàn giao dịch bất động sản (doanh nghiệp không được thực hiện dịch vụ định giá bất động sản, dịch vụ quảng cáo bất động sản và dịch vụ đấu giá bất động sản) và Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình”.

Là một trong những đơn vị tiên phong nhưng CapitaLand lại không tận dụng được lợi thế thời gian của mình. Sau cả thập niên hoạt động, dấu ấn CapitaLand để lại chỉ là những tháng ngày thua lỗ dài dằng dặc. Vốn của công ty đã “bốc hơi” hoàn toàn. Công ty phải “sống” bằng nợ.

Cụ thể, tới năm 2016, CapitaLand gánh thêm khoản thua lỗ 50,3 tỷ đồng. Con số này góp phần nâng âm vốn chủ sở hữu tại CapitaLand lên đến 537 tỷ đồng. Vốn góp của cổ đông “mất trắng” nên để có nguồn vốn hoạt động, công ty gánh nợ phải trả lên đến 613 tỷ đồng.

Sau đó, CapitaLand tiếp tục thua lỗ với các khoản lỗ 84,4 tỷ đồng (năm 2017) và 37,7 tỷ đồng (năm 2018). Kết quả là, CapitaLand âm vốn tới 621 tỷ đồng và 659 tỷ đồng.

Vì vậy, CapitaLand tiếp tục “sống” nhờ nợ. Tại thời điểm  cuối năm 2017 và 2018, nợ phải trả tại công ty đạt 701 tỷ đồng và 764 tỷ đồng.

2019 là năm “tươi sáng” nhất của CapitaLand khi công ty ghi nhận lợi nhuận bất ngờ vọt lên 320 tỷ đồng dù doanh thu giảm từ 226 tỷ đồng xuống chỉ còn 143 tỷ đồng. Nhờ đó, âm vốn chủ sở hữu tại CapitaLand giảm từ 659 tỷ đồng xuống 339 tỷ đồng.

Thế nhưng, nợ nần tại CapitaLand lại tăng. Tại ngày 31/3/2019, nợ phải trả của công ty vọt lên 878 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, CapitaLand đạt kỷ lục về thua lỗ khi con số này vọt lên 182 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên sau năm năm, thua lỗ tại CapitaLand vượt qua con số 100 tỷ đồng.

Kết quả là, công ty âm vốn 522 tỷ đồng. Âm vốn nhưng CapitaLand vẫn đạt tổng tài sản 544 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Điều đó có nghĩa nợ phải trả của CapitaLand lên đến 1.066 tỷ đồng.

Tập đoàn CapitaLand dồn dập rót tiền

Trong khi Công ty TNHH Quản lý bất động sản CapitaLand liên tục thua lỗ, âm vốn, phải “sống” bằng nợ nần, Tập đoàn CapitaLand liên tục gây chú ý vì những thương vụ giá trị khủng.

Ngày 13/12, Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn CapitaLand gây chú ý khi tổ chức lễ ký kết hợp tác dự án phát triển thành phố mới Bình Dương.

Lãnh đạo CapitaLand cho biết dự án tại thành phố mới Bình Dương tập trung phát triển các khối nhà ở với tổng diện tích 18,9 hecta, dự kiến sẽ có trên 3.700 căn hộ và nhà ở sở hữu lâu dài được xây dựng tại dự án bao gồm nhà ở thấp tầng, trung tầng và cao tầng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 13.000 cư dân. Quá trình xây dựng sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu bao gồm khoảng 1.300 căn hộ và nhà ở dự kiến diễn ra từ năm 2022-2024. Toàn dự án dự kiến hoàn thiện vào năm 2027. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.330 tỷ đồng (1,12 tỉ đô la Singapore).

Đầu năm 2022, CapitaLand Development (CLD), nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang. Hai bên sẽ đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics với tổng giá trị cam kết đầu tư một tỷ USD (khoảng 22.700 tỷ đồng).

Không chỉ có vậy, chia sẻ với báo giới, ông Ronald Tay, Tổng Giám đốc của CapitaLand Development (CLD) Việt Nam vẫn đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Ông Ronald Tay đánh giá Việt Nam vẫn là một trong những thị trường cốt lõi của CLD, nơi Tập đoàn đã xây dựng được một danh mục đầu tư phong phú và hiện diện rộng ở nhiều tỉnh và thành phố.

CapitaLand đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi số vốn lên khoảng 2 tỷ USD vào các khoản đầu tư mới tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Hà Anh

Nguồn
Link bài gốc