Sau khi độc giả Lê Tiến Thành chia sẻ trường hợp suốt 6 tháng không bán được nhà vì "cò" kê giá lên cao, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những nỗi bực mình như mua bán nhà đất thông qua trung gian.

Độc giả traloibaomang kể về việc mất thời gian khi mua căn hộ: "Đầu năm tôi đi xem căn hộ quận 9 cũ (TP Thủ Đức), mấy bạn sale đăng căn hộ có hướng và tầng phù hợp và hẹn tôi. Tôi đi từ quận 10 ra mất tầm hơn một tiếng chạy xe máy.

Ra tới nơi cả hai bạn sale nói "căn em hẹn mới cọc chiều qua". Sau đó dẫn tôi đi coi căn khác. Tôi lịch sự đi cho vui, sẵn coi trong nhà xây dựng thế nào. Chứ thật lòng có ưng tôi cũng không chốt với hai bạn đó. Đơn giản là tôi thấy không thoải mái ngay ấn tượng đầu tiên.

Sau đó tôi chuyển dự án khác, gặp ngay bạn sale cũng nhiệt tình, đưa số nào là y số đó chứ không đổi, thế là chốt trong nửa ngày. Sale bất động sản vẫn còn tâm lý ăn xổi quá nên khó có khách hàng".

Trường hợp khác, độc giả mr.bean kể: "Tôi với bạn tôi đầu tư mua đất và xây một căn nhà, sau đó nhờ các đội sale bán. Các bạn biết không, giá chúng tôi mong muốn chỉ là 14 tỷ đồng, nhưng hết cò này tới cò khác nâng lên tới hơn 15,7 tỷ đồng. Hơn nửa năm không bán được, bực mình vì cần giải ngân để thu hồi vốn tôi tự đăng lên mạng bán và gặp khách chốt luôn giá 13,5 tỷ trong vòng một tuần.

Tôi không hiểu cò ăn cái gì mà dày thế, "ăn" 1,2-3% là được rồi đằng này đến mười mấy phần trăm, tội cho người nào mua qua cò mất không mấy tỷ bạc".

Từ những kinh nghiệm thực tế, độc giả letruongan.llc nêu đánh giá chung: "Nhiều cò đất phải ăn chênh, xúc đậm, nếu không thì phá đám. Nhiều cò biết ai cần bán đất là nhận ngay là đất của mình rồi thổi giá để ăn chênh lệch, hoặc ép giá rồi đặt cọc cho chủ đất 10-20 triệu đồng, sau thổi giá lên để bán. Chủ đất không thể làm gì vì cò đã đặt cọc, dây máu ăn phần.

Chưa kể, cò sẽ tìm mọi cách o bế, phá đám không cho người mua và người bán gặp nhau, mọi thoả thuận phải qua cò, nếu đòi gặp người bán thì lập tức cò phá đám ngay.

Thậm chí, cò còn hành xử rất côn đồ, doạ nạt, tôi đã gặp vài lần như vậy rồi nên biết. Dứt khoát cò không cho gặp nhau, hẹn hai bên ra phòng công chứng làm thủ tục và giao tiền.

Cò cũng hay chơi bịp theo hình thức bán một phần lô đất chưa tách thửa, nhưng yêu cầu người mua đặt cọc khi chưa tách thửa rồi đẩy người mua vào một mớ bung sung vô cùng tốn kém hoặc có nguy cơ mất tiền cọc vì không làm được thủ tục".

Trước thắc mắc của một số độc giả vì sao nhiều người mua bán nhà đất phải thông qua cò, độc giả Bui Van Tieb lý giải: "Thường chủ nhà rất khó bán nếu không qua cò.

Thứ nhất nếu đăng tin sẽ có hàng trăm cò gọi điện, hẹn tới hẹn lui. Cò có rất nhiều thời gian, họ đi xem mỗi ngày cả chục cái. Bạn có sức mở cửa cho hàng trăm khách trong vài tháng không?

Họ xem, trả giá, chê bai, đè lên đè xuống đến mức bạn không làm ăn gì được. Ngoài ra, cò sẽ đăng lại hàng trăm tin, giá thấp hơn của bạn, khách sẽ đến với cò, và cò lại hẹn bạn đi xem.

Cò có hàng chục số điện để bạn ko biết và tưởng đó là khách. Tóm lại cứ đăng tin rồi bạn sẽ biết, bạn sẽ bị hàng chục cuộc gọi mỗi ngày, hàng chục cuộc hẹn mỗi tuần trong 6 tháng đầu tiên".

Trước những nỗi bực mình vì cò nhà đất, một số độc giả đã chia sẻ cách tránh phiền toái không đáng có này. Độc giả F. Totti:

"Khi muốn mua nhà đất bạn sẽ dựa vào khả năng tài chính của mình và chọn nơi ở mong muốn để tìm (ví dụ: bạn sẽ chọn khu vực, phường, quận... mà bạn muốn ở đó). Sau khi chọn xong bạn sẽ dành thời gian để lên mạng tìm thông tin về người bán ở nơi đó và mức giá phù hợp với mình rồi sẽ lọc ra thông tin rao chính chủ hay trung gian (cò), sau đó bạn sẽ liên hệ với người mà bạn chọn.

Thêm nữa, bạn dành thêm thời gian để đi trực tiếp đến khu vực mong muốn đó để tìm những người bán thật sự: thường họ treo bảng hoặc đang sống ở vị trí đó... Khi đi như vậy bạn sẽ dễ dàng hỏi thăm những hàng xóm về thông tin nhà, tình hình người dân sống tại đó, an ninh... từ đó ít nhiều bạn sẽ tìm được địa chỉ ưng ý. Thời buổi này đừng nên nghe theo mấy ông trung gian dễ sập bẫy lắm".

Một độc giả cung cấp thêm về nghề "cò" nhà đất ở nước ngoài: Kevin Pham

Nghề gì cũng vậy, nếu không có luật ràng buộc thì người ta sẽ lộng hành thao túng. Để tôi ví dụ so sánh với nước ngoài chút, nơi mà ngành địa ốc có đầy đủ luật lệ:

Ở Mỹ muốn làm môi giới và đại diện mua bán địa ốc thì phải có bằng. Bằng này không phải đơn giản đọc sách và đi thi là được. Phải có những ngày học trong trường và được trường chứng nhận đã học qua những lớp cần thiết. Quá trình này người ta hiểu rõ quy định, trách nhiệm, luật pháp và đặc biệt là hình phạt cho những trường hợp vi phạm.

Đăng bán nhà giá bao nhiêu là do chủ nhà quyết định chứ không phải do trung gian. Tất cả những khách mua ra giá đều phải thông báo cho chủ nhà và họ là người ra quyết định cuối cùng. Trung gian chỉ làm những gì luật pháp quy định họ được làm và không được phép sai lệch dù chỉ một chút.

Ở những mua bán khác còn được cho phép sai trái nhỏ nhặt nhưng nhà giá trung bình 500 nghìn USD trở lên, nhiều nhà hơn một triệu USD nên không cho phép sai sót. Nếu sai sót thì phải thông báo cho cả hai bên để được chỉnh đốn. Tôi mua nhà vài lần, đã trả qua vài lần người đại lý làm sai sót giấy tờ và cả 9 tháng sau họ vẫn yêu cầu tôi hợp tác chỉnh sửa cho đúng luật.

Nguồn Vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/co-nha-dat-an-chenh-xuc-dam-pha-dam-4376660.html?