Theo đó, dự án Hanoi Paragon do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT (thành viên trực thuộc Tincom Group – nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long, ông Thang Văn Lương là Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên lô đất số A3, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Đây là tổ hợp khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 8.200 m2 và từng được quảng cáo rầm rộ là dự án với “phong cách sống Singapore giữa lòng Hà Nội”.
Tiền thân của dự án là khu đất được Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT (Công ty VT) thuê để xây dựng Tòa nhà trung tâm thương mại Paragon từ năm 2007 và được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009. Sau đó, tới năm 2011, dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh chuyển mục đích đầu tư dự án thêm chức năng nhà ở và văn phòng. Tới năm 2012, chủ đầu tư chính thức nhận quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở lâu dài để triển khai dự án Hanoi Paragon.
Tuy nhiên, phải tới hơn 2 năm sau, dự án mới chính thức được cấp phép triển khai khi Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 3352/BXD-HĐXD về việc miễn giấy phép xây dựng dự án do đã có Quy hoạch chi tiết 1/500 toàn thể Khu đô thị mới Cầu Giấy từ trước đó.
Đến quý II/2015 dự án mới chính thức khởi công với cam kết hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng từ quý IV/2017. Cuối tháng 3/2017, Hanoi Paragon chính thức mở bán và trở thành một trong những dự án hot nhất vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, dự án đã bị “phanh phui” hàng loạt vấn đề như: Chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất… Đồng thời, chủ đầu tư dự án cũng rơi vào “kiện tụng” tranh chấp với nhà thầu và buộc phải dừng thi công, nên không thể hoàn thành cam kết bàn giao nhà với khách hàng như dự kiến ban đầu.
Hanoi Paragon không phải dự án đầu tiên “dính vết” của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long. Công ty này cũng từng dính lùm xùm với dự án Tincom Pháp Vân. Các khách hàng của dự án này đã đóng tiền hơn 11 năm, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thiện và bàn giao.
Tincom Pháp Vân được UBND Thành phố Hà Nội trao quyết định đầu tư từ năm 2009. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện hạ tầng và móng cốt để đủ điều kiện bán, chủ đầu tư dự án đã vội vã chào bán cho khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn theo "chính sách" của công ty.
Khi ấy, chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2014. Thế nhưng, vì thi công chưa có giấy phép xây dựng, dự án đã bị đình chỉ. Đến cuối năm 2011, dự án Tincom Pháp Vân mới có giấy phép xây dựng. Đến tháng 11/2011, dự án vẫn chưa xong phần móng, chỉ là một đống ngổn ngang, hoen rỉ. Thời gian tái thi công chẳng được bao lâu thì đến đầu năm 2012 dự án rơi cảnh “đắp chiếu”. Trước tình cảnh này, nhiều khách hàng làm đơn đề nghị thoái vốn.
Tuy nhiên, phản hồi lại đề nghị của khách hàng, chủ đầu tư dự án này cho rằng, hợp đồng góp vốn trên dựa trên chính sách tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ nhân viên. Trong khi đó, quy chế tại công ty này quy định cán bộ nhân viên không có quyền hủy ngang số tiền góp vốn và hợp đồng ủy thác đầu tư.
Đến năm 2016, dự án được đổi tên thành “Dragon Riverside Pháp Vân” và trở lại quảng bá rầm rầm khắp nơi. Thế nhưng, tái thi công được khoảng 2 năm với việc nỗ lực xây thô đến tầng 25, Dragon Riverside Pháp Vân lại rơi vào cảnh đình trệ tầng cho đến nay. Trước viễn cảnh có nguy cơ "tiền mất, nhà mất", những tháng đầu năm 2020, rất nhiều khách hàng đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư đã không hoàn thành cam kết bàn giao nhà cho khách hàng dù đã thu tới cả tỷ đồng.
Trong số 3 dự án được Tincom Group triển khai, chỉ có duy nhất Imperial Giải Phóng đã được hoàn thiện, bàn giao và đi vào sử dụng từ năm 2018. Tuy nhiên, từ đó tới nay, dự án liên tục bị cư dân căng băng rôn phản đối vì chậm tiến độ làm sổ hồng. Chưa kể, dự án còn bị tố chất lượng dịch vụ kém có ý chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì về cho Ban quản trị chung cư.