Thâu tóm đất đấu giá bằng chiêu “quân xanh quân đỏ”?
Mới đây, Thanh tra Bộ Tư pháp đã công bố Quyết định thanh tra số 07, về việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản (ĐGTS) với Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Phước, trong việc ĐGTS theo Hợp đồng số 03/HĐ-DVĐGTS ngày 13/4/2021.
Theo đó, thời hạn tra là 30 ngày. Đoàn thanh tra do ông Đặng Minh Quân, Phó Chánh thanh tra Bộ Tư pháp, làm Trưởng Đoàn; ông Phạm Quý Dương, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra - Thanh tra Bộ Tư pháp, làm Phó Trưởng đoàn; còn ông Đoàn Hải Quân, Thanh tra viên chính, Phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Tư pháp, là Thành viên. Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ thanh tra những nội dung vừa được đề cập.
Theo tìm hiểu, Hợp đồng số 03/HĐ-DVĐGTS ngày 13/4/2021 của Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Phước, liên quan đến Khu đất mà Cty TNHH TM- DV Tân Hiệp Phát trúng đấu giá, ở Khu dân cư Phú Thịnh (Giai đoạn 1, phường Tân Phú, Đồng Xoài).
Được biết, đây là khu đất rộng 79.840m2 gồm 76 lô và 11 cụm, phương thức đấu giá từng lô từng cụm; giá khởi điểm là 673 tỷ. Theo Pháp Luật Việt Nam, tại cuộc đấu giá này, bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, TP HCM), con gái ông Trần Quý Thanh (ông chủ Tân Hiệp Phát) và thuộc cấp là ông Phạm Phú Quốc (SN 1980, TP HCM), Trưởng phòng Động lực, khối Sản xuất, của Tân Hiệp Phát cùng đăng ký tham gia đấu giá.
Sau đó, tại cuộc đấu giá diễn ra 3 ngày (7/5 - 9/5/2021), bà Bích trúng đấu giá 10/11 cụm và 54/76 lô riêng lẻ này. Trong khi đó, ông Quốc đặt trước 101 tỷ đồng ký quỹ, nhưng không trúng đấu giá bất kỳ lô đất nào, nên sau đó đã được trả lại toàn bộ tiền “ký quỹ”.
Theo các chuyên gia BĐS và chuyên gia pháp lý, căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và Quy chế cuộc đấu giá thì:“Một hộ gia đình chỉ được một cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ); cùng một tổ chức chỉ được một đơn vị tham gia đấu giá QSDĐ; trường hợp có 02 doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một tổng công ty thì chỉ được một doanh nghiệp tham gia đấu giáQSDĐ; trường hợp tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh thì chỉ được một doanh nghiệp tham gia đấu giá QSDĐ”;
Do đó việc Bà Bích và cấp dưới cùng tham gia đấu giá khu đất tại Khu dân cư Phú Thịnh là sai Luật, thậm chí việc này có sự tương đồng với chiêu thức dùng “quân xanh, quân đỏ”, trong đấu giá đất như vụ việc “Dìm giá đất ở Đông Anh, Hà Nội” của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex hồi cuối năm 2021.
Chiêu cũ dùng hoài
Có thể thấy, đây không phải lần đầu Tân Hiệp Phát dùng chiêu “Quân xanh quân đỏ” khi tham gia đấu giá đất. Bởi hồi cuối năm 2021, Công an Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT) đã có Thông báo 843 về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm phản ánh các sai phạm trong quá trình tổ chức bán đấu giá QSDĐ khu đất 79.481,9m2 tại huyện Côn Đảo;
Trong đó, công an tỉnh này khẳng định nhóm người trong Cty TNHH Dịch vụ - Thương mại Tân Hiệp Phát, do gia đình ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích quản lý, điều hành đã “có sự thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá giành quyền mua tài sản mà không phải đấu giá với đối thủ nào khác”, có dấu hiệu “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” quy định tại Điều 218 Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, mặc dù là cuộc đấu giá lớn vì diện tích đất đấu giá lên tới gần 8ha, nhưng các đơn vị tham gia lại chính là bà Trần Ngọc Bích và bà Võ Thị Khánh Chi (SN 1985, TP HCM), cấp dưới của bà Bích.
Khi cuộc đấu giá diễn ra (vào ngày 25/12/2019), bà Bích ủy quyền cho ông Vũ Anh Tuấn (SN 1978, Trưởng phòng Ngân quỹ Tân Hiệp Phát), bà Chi ủy quyền cho ông Nguyễn Lê Khánh (SN 1993, nhân viên bà Chi). Cả hai giấy ủy quyền đều cùng được lập tại một phòng công chứng ở Thủ Đức (TP HCM), do cùngmột công chứng viên công chứng.
Mặc dù UBND BR-VT xác định cuộc đấu giá sẽ diễn ra nhiều vòng, mỗi lần trả giá lên 15 tỷ. Nhưng mới vừa qua vòng 1 và trả giá cao hơn giá khởi điểm 200 triệu, cả hai bên đều từ chối nhận phiếu, rồi đấu giá viên phía bà Bích “trúng đấu giá”. Theo Pháp luật Việt Nam, khu đất đấu giá vừa nêu, có giá thị trường ước tính cả ngàn tỷ, được tỉnh BR - VT kỳ vọng nhiều người tham gia đấu giá, mỗi bước giá 15 tỷ, nhưng rốt cục đã “trúng đấu giá” với số tiền cao hơn giá khởi điểm không nhiều, thậm chí không đủ trả chi phí đấu giá.
Trước một số bất thường, UBND BR-VT đã có nhiều văn bản chỉ đạo sở ngành vào cuộc làm rõ sự việc. Sau này, một số cán bộ trong lĩnh vực đấu giá tại địa phương cũng đã có văn bản báo cáo chưa đầy đủ khi đề nghị Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho ý kiến về cuộc đấu giá này. Tuy nhiên, điều gây bức xúc dư luận và những nhà đầu tư chân chính là dù đang bị công anBR-VT xác minh, nhóm người Tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn tiếp tục dùng phương thức tại cuộc đấu giá khu đất 8ha Côn Đảo để đi “đấu giá” tại các địa phương khác.
Nghi ngờ khả năng của doanh nghiệp…
Trước đó, Tân Hiệp Phát cũng lần lượt trúng đấu giá 3 khu đất vàng tại BR – VT gồm: Khu đất đường D5 (phường 10, TP. Vũng Tàu) có diện tích 1,8ha với giá 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng vào tháng 5/2019; khu Galaxy ở huyện Côn Đảo) với diện tích 9.900m2, giá trúng là 83 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm là 16 tỷ đồng), vào tháng 3/2020; khu đất hơn 20.000 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ vào tháng 3/2020.
Trên thương trường, Tân Hiệp Phát, được biết biết đến là một tập đoàn trong lĩnh vực nước giải khát, đến năm 2018, Chủ tịch Trần Quý Thanh tuyên bố sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản và nhấn mạnh đây là ngành quan trọng trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn.
Trên thực tế, có thể thấy, một trong những chiến lược kinh doanh tại lĩnh vực bất động sản của Tân Hiệp Phát là tích cực tham gia các cuộc đấu giá, để có quỹ “đất vàng” tại hầu khắp các tỉnh.
Thậm chí, trong cuộc đấu giá kỷ lục 4 lô đất vàng ở Thủ Thiêm (TP HCM), Tân Hiệp Phát cũng tham gia, nhưng không trúng đấu giá. Trên thực tế, mặc dù đã có trong tay quỹ đất lớn và đắc địa, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Tân Hiệp Phát vẫn chưa chính thức động thổ bất cứ dự án bất động sản nào.
Minh chứn là tại Đà Nẵng, dư luận đang khá bức xúc với hành vi “ôm đất vàng” rồi bỏ hoang của Tân Hiệp Phát. Cụ Thể, Dự án bất động sản của Cty TNHH Dịch vụ & Thương mại Tân Hiệp Phát, rộng 14.000 m2 có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa bậc nhất TP Đà Nẵng, nhưng đã bị Tân Hiệp Phát bỏ hoang nhiều năm, dây dưa vi phạm, dù chính quyền tỉnh này đã lập biên bản và ra “tối hậu thư”. Vì vậy, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư liên tục bày tỏ nghi ngờ về khả năng thực hiện dự án bất động sản của đơn vị này…
Trần Tài/Người mua nhà