Trong khuân khổ bài viết, tác giả không bàn tới lý do tại sao Hà Nội dừng triển khai mà chỉ có vài thiển ý nói về sự tác động của việc dừng triển khai các dự án BT đối thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội.

82 dự án BT, chủ yếu là các công trình hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, trong đó nhiều công trình nghìn tỷ như: 4 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thượng Cát, Hồng Hà 2 cầu bắc qua sông Đuống là cầu Giang Biên và cầu Đuống 2; hàng trăm KM đường giao thông trong đó có nhiều đoạn đường qua các khu đô thị đông đúc hay các tuyến đường dài yêu cầu vốn đầu tư lớn như: 9 đoạn thành phần đường vành đai 2; 2,5; 3; 3,5, 4 và vành đai 5; nâng cấp 23 km đường Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; 7,5 km đường 70 đoạn Hà Đông-Văn Điển; 20 km đường trục kinh tế Bắc-Nam tỉnh Hà Tây (cũ); 17,5 km Liên Mạc- cống Hà Đông….vv. Không còn nghi ngờ gì nữa, các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật nêu trên mà xong thị bộ mặt Hà Nội sẽ khác, rất khác, KT-XH và BĐS Hà Nội sẽ cất cánh.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Thực tế đã chứng minh tiến độ các công trình BT thường nhanh hơn rất nhiều so với các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách. Lý do là: hầu hết các công trình BT đều do nhà đầu tư đề xuất đưa vào danh mục đầu tư-theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán gửi Quốc hội kỳ hợp giữa năm 2020 của KTNN. Như vậy nhà đầu tư đã nhắm, ngắm dự án và chọn dự án đối ứng, thường là các khu đất “vàng”. Có đất “ vàng” trong tay, nhà đầu tư có cơ sở vững chắc để móc hầu bao, huy động vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu lãi suất cao, các cơ sở cung ứng VLXD và nhà thầu xây dựng cũng vui vẻ ứng trước, khách hàng xếp hàng chờ mua “lúa non”…vv.

Hầu hết nguồn vốn đối ứng cho các công trình BT nêu trên là đất, tùy công trình BT lớn hay nhỏ mà qui mô các đô thị đối ứng cũng khác nhau từ vài chục tới hàng nghìn ha. Chẳng hạn chỉ riêng dự án BT Nút giao khác cốt giữa đại lộ Thăng long và đường vành đai 3,5, Hà Nội dự kiến sử dụng quỹ đất khoảng 320 ha cho nhà đầu tư thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn. Hay Trục đường kinh tế Bắc-Nam Hà Tây (cũ) chủ đầu tư được giao 4 đại đô thị: ĐTM Thạch Phúc 507ha, khu thương mại Quốc Oai 1.124ha, khu ĐTM Thạch Thất 922ha và khu sinh thái Chương Mỹ 750 ha….Ngoài những đại độ thị, đô thị đối ứng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh thủ xin đầu tư các dự án “xen kẹt” có qui mô từ vài nghìn m2 tới hàng chục ha, các nhà đầu tư cá nhân tranh thủ mua đất, cất nhà gần các đô thị lớn, gần các trục đường giao thông hoặc các công trình tiện ích…. Rõ ràng là, cơ chế BT đã làm cho tốc độ đô thị hóa gấp gáp hơn, nhanh hơn.

"Rút củi đáy nồi" có lẽ là cụm từ chuẩn nhất để dành cho thị trường BĐS Hà Nội nói chung, BĐS ven Hà Nội nói riêng khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP công bố thông tin dừng triển khai 82 dự án BT. Vốn dĩ, thị trường BĐS phụ thuộc quá nhiều vào qui hoạch và tiến độ triển khai các dự án hạ giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cũng như tốc đô đô thị hóa. Có thể nói, liên tục trong thời gian gần đây thị trường BĐS vùng ven Hà Nội được “nuôi dưỡng” và “thổi phồng” bởi các thông tin tiến độ các tuyến đường vành đai 3; 3,5; 4; 5, các trục đường hướng tâm, hàng chục cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, các tuyến đường liên hệ vùng.

Với thông báo dừng triển khai 82 dự án BT đồng nghĩa các dự án giao thông, hạ tầng đô thị sẽ xếp hàng chờ vốn. Tại sao ư ? xin thưa nguồn vốn NSNN hay ngân sách TP luôn hữu hạn. Đơn cử năm 2021 này, tổng số DA Hà Nội được giao kế hoạch vốn là 4.728 với tổng vốn được giao là 42.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 19.164 tỷ đồng, ngân sách quận, huyện, xã, phường là 23.415 tỷ đồng (không bao gồm phần giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và ghi thu, ghi chi các dự án BT qua Sở Tài chính) – thông tin tại Hội nghị giao ban trực tuyến UBND TP Hà Nội thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021-chiều 24-6. Con số nóng sốt của năm 2021 cho thấy, ngân sách của TP chủ yếu phân bổ cho các công trình nhỏ- trung bình chỉ hơn 9 tỷ đồng/dự án. Như vậy, các công trình BT nghìn tỷ nên trên sẽ phải chờ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ.

Trụ đỡ chính cho thị trường BĐS là các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật nay phải chờ chưa biết tới bao giờ; các đô thị, đại đô thị đối ứng bỗng nhiên trở thành “bánh vẽ”; các nhà đầu tư, đầu cơ đón đầu qui hoạch, bơi theo “ cá mập” buộc phải cắt lỗ …..có lẽ vì lẽ đó BĐS ven Hà Nội đang sôi trở nên nguội lạnh do bị “rút củi đáy nồi” !

Tác giả: Thuận Nhĩ


Nguồn
Link bài gốc