Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra loạt vi phạm liên quan đến nhiều dự án hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower (tên thương mại là Manhattan Tower) nằm trong danh sách có nhiều vi phạm.
Một trong những vi phạm nổi bật là dự án được điều chỉnh 4 lần khiến tăng diện tích đất xây dựng từ 6.107m2 lên 6.146,95m, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng số tầng từ TB 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng từ 2.443m2 lên 3.145m2, diện tích sàn xây dựng từ là 12.214 mở lên 76.140m”, tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người.
Ban đầu, dự án do tổng công ty Thành An - Công ty TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư. Sau đó, Manhattan Tower đã trải qua 2 “đời” chủ nữa. Và cả hai “đời” chủ này đều vô cùng bết bát.
“Mua chịu” Manhattan Tower?
Năm 2009, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình) đã nhận lại dự án Thành An Tower từ Tổng Công ty Thành An theo hình thức hợp tác kinh doanh.
Đáng chú ý, trước đó, dự án đã có 3 lần điều chỉnh, số tầng tăng từ 5 lên 25. Sau đó, sau khi đổi chủ lần nữa, số tầng tăng lên 30.
Đến năm 2018, Công ty Ba Đình chuyển nhượng toàn bộ Dự án Manhattan Tower cho Công ty CP Landmark Holdings (Hose: LMH) với giá 250 tỷ đồng. 250 tỷ đồng đúng bằng số tiền mà Công ty Ba Đình vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sau khi cầm cố tài sản liên quan đến dự án hồi năm 2017.
Tuy nhiên, có vẻ như đây là thương vụ “mua chịu” khi mà sau nhiều năm, LMH vẫn chưa thanh toán hết cho Công ty Ba Đình.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, LMH vẫn ghi nhận khoản tiền lên đến 210,9 tỷ đồng chưa thanh toán cho Công ty Ba Đình. Đồng thời, dự án chưa thể tiếp tục bởi quá trình đàm phán giữa LMH và các đối tác chưa hoàn thiện do đang vướng các thủ tục về mặt pháp lý.
Trong khi đó, LMH ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đối với Công ty Ba Đình trở thành nợ xấu, với giá trị có khả năng thu hồi còn 18 tỷ đồng.
Cả hai “đời” chủ gần đây nhất của Manhattan Tower là Công ty Ba Đình và LMH đều có bức tranh tài chính bết bát.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Landmark Holdings
LMH có nhiều năm thua lỗ liên tục. Năm 2019 và 2020, LMH lỗ 27,4 tỷ đồng và 40,9 tỷ đồng. Bước sang năm 2021, con số này tăng vọt lên 113 tỷ đồng khiến cho LMH gánh lỗ luỹ kế 219 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021.
Đáng chú ý, trong Báo cáo tài chính năm 2021của LMH, kiểm toán viên đã đưa ra một loạt Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với LMH.
Cụ thể, kết thúc năm 2021, kiểm toán viên chưa nhận được đầy đủ thư xác nhận số dư tại ngày | 31/12/2021 của các khoản công nợ: Phải thu về cho vay số tiền 31,1 tỷ đồng; Phải thu ngắn hạn khách hàng số tiền 119,6 tỷ đồng; Người mua trả tiền trước số tiền 149,9 tỷ đồng; Trả trước người bán số tiền 214,2 tỷ đồng; Phải thu khác số tiền 2,1 tỷ đồng; Phải trả người bản số tiền 16,8 tỷ đồng; Nhận ký quỹ ký cược số tiền 2,8 tỷ đồng. Với những tài liệu hiện có tại Công ty, kiểm toán viên không thể kiểm tra tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ, tính đánh giá và tính chính xác của các khoản mục trên bằng các thủ tục kiểm toán khác.
Cùng với đó, LMH đang ghi nhận khoản vay và lãi lãi phạt quá hạn phát sinh do chậm thanh toán khoản vay với ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với số tiền gốc và lãi phạt hơn 25 tỷ đồng. Với tài liệu hiện có, kiểm toán viên chưa thể xác nhận được lãi phạt quá hạn được ghi nhận bổ sung của khoản vay nêu trên.
Công ty Ba Đình lỗ triền miên
“Chủ cũ” là công ty Ba Đình cũng có bức tranh tài chính kém lạc quan. Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty Ba Đình lần lượt thua lỗ 3,4 tỷ đồng, 2,1 tỷ đồng, 5,6 tỷ đồng, 5,8 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng.
Một trong những lý do của con số yếu kém kia là doanh thu khiêm tốn. 2017 là năm duy nhất Công ty Ba Đình có doanh thu trên 10 tỷ đồng với mức 72,6 tỷ đồng. Sau đó, chỉ tiêu này giảm sâu xuống 2,2 tỷ đồng trong năm 2018. Còn bước sang 2019 và 2020, chỉ tiêu này về 0 đồng.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Công ty Ba Đình đạt 2.853 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 652,2 tỷ đồng, nợ phải trả còn 2.201 tỷ đồng và gấp 3,3 lần nợ phải trả, cho thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao.
Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình được thành lập ngày 30/7/2021 tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ngành nghề đăng ký chính kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Tiến Trung (SN 1971) sở hữu đến 99,57% cổ phần tại Công ty Ba Đình. Đồng thời, ông Trung cũng là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Hà Anh