Anh Nguyễn Tuấn Hải (sinh năm 1995, quê gốc tại Ninh Bình) cho biết, năm 2017 anh tốt ngành sư phạm, thay vì đứng trên bục giảng như bao người bạn đại học khác, anh Hải lựa chọn làm nhân viên văn phòng ở một công ty tại Hà Nội. Tuy nhiên, với mức lương 9 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cũng không tiết kiệm được bao nhiêu.
“Tốt nghiệp sư phạm, nhưng nếu về quê xin việc thì mất tới vài trăm triệu đồng may ra mới có việc. Trong khi đó, gia đình tôi cũng không khá giả gì, nên tôi cũng cố gắng ở Hà Nội xin một công việc làm kiếm sống. Tiết kiệm cũng chẳng được bao nhiêu, thi thoảng tôi gửi về một ít để đỡ đần bố mẹ nuôi em học”, anh Hải kể.
Anh Hải luôn cảm thấy “lép vế” khi mỗi lần ngồi cạnh những người bạn của mình. Mặc dù cùng học chung lớp cấp 3, trước kia học lực cũng chỉ ngang ngửa như nhau nhưng đến nay anh đã tụt khá xa nếu so sánh với mức thu nhập với chúng bạn đang làm nghề môi giới bất động sản.
Không chỉ vượt trội về thu nhập, những người bạn “hai lúa” của anh ngày nào giờ đã có tác phong tự tin, ăn nói lưu loát và kiến thức lĩnh vực nào cũng nói được. Mỗi khi xuất hiện đều quần áo tinh tươm kèm theo đồng hồ, phụ kiện hàng hiệu và xế hộp xịn.
Chán nản với công việc mỗi ngày 8 tiếng tại văn phòng mà mức lương chẳng được bao nhiêu. Sau 3 năm gắn bó với công việc này, đến đầu năm 2021, anh Hải đã xin nghỉ việc và đầu quân cho công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội. Như bao người mới vào nghề, anh Hải cũng ôm hy vọng có mức thu nhập khủng để đổi đời.
“Nhìn thấy người khác có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng, chắc chắn ai cũng thích thú và ngưỡng mộ. Khi đó, tôi nghĩ nếu chỉ làm công việc văn phòng bình thường mà không có sự trợ giúp từ gia đình, muốn mua nhà ở Hà Nội thì gần như là không thể. Gia đình tôi không khá giả gì cả, bố mẹ còn nuôi 2 em ăn học nữa. Nên tôi cũng muốn đổi nghề hy vọng sẽ có mức thu nhập tốt”, anh Hải nói.
Sau 2 tháng đầu tiên, nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè đồng nghiệp, anh Hải đã có giao dịch đầu tiên. Khi nhận số tiền hoa hồng 20 triệu đồng trong tay, anh cảm thấy vô cùng vui sướng và vẽ thêm những dự định to lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, ngày vui chẳng được bao lâu thì liên tiếp nhiều đợt dịch Covid-19 lại ập tới, thị trường bất động sản hết cơn sốt một số khu vực thì gần như “đóng băng”, anh Hải phải nghỉ làm ở nhà. Bắt đầu từ đây là vô vàn những khó khăn dồn dập.
“Tôi cảm thấy vỡ mộng, thật sự trước khi bước chân vào nghề tôi cũng tìm hiểu rất kỹ và được bạn bè truyền lửa, chia sẻ những khó khăn nên tôi cũng biết trước, chỉ duy nhất bệnh dịch khi nào lại ập tới thì tôi không biết.
Ai cũng biết, môi giới bất động sản sống bằng tiền hoa hồng chứ lương hỗ trợ từ công ty cũng chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng thì chỉ đủ thuê nhà. Hơn nữa, 5 tháng qua không có giao dịch nào và công ty cũng khó khăn nên lương cũng bị cắt. Thế nên trong thời gian đó, tiền tiết kiệm trước kia bao nhiêu tôi đã phải tiêu hết”, anh Hải nói.
Bị mắc kẹt tại Hà Nội suốt thời gian giãn cách, không kiếm được tiền nhưng chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt vẫn phải trả đều đặn hàng tháng. Anh Hải đã phải vay mượn bạn bè khắp nơi. Thậm chí, còn phải nhận đồ thực phẩm hỗ trợ từ địa phương nơi anh đang sinh sống.
“Chủ nhà cũng biết hoàn cảnh khó khăn của tôi nên cũng giảm cho 500.000 đồng/tháng. Nhiều khi chủ nhà con hỗ trợ thêm thực phẩm. Lúc nào tại phường tôi đang ở có phát đồ cứu trợ chủ nhà cũng bảo tôi ra nhận. Thanh niên sức dài vai rộng tôi cũng ngại lắm, nhưng lúc đó tôi cũng không xoay sở thế nào được. Tôi cũng không dám nói với gia đình, sợ mọi người lại lo lắng”, anh Hải ngậm ngùi nói.
|
|
Hết giãn cách, nhiều môi giới bất động sản vẫn không có khách |
Mặc dù hiện nay đã nới lỏng giãn cách, hoạt động giao dịch đã trở lại bình thường nhưng anh Hải vẫn chưa có thêm giao dịch nào. “Nhiều người cũng nghĩ khi hết giãn cách thì công việc lại bình thường, nhưng thực tế ai có khách thì vẫn có khách, còn ai không có thì vẫn vậy. Nhiều đồng nghiệp của tôi đến nay cũng chưa có giao dịch nào cả”, anh Hải nói.
Anh Hải cũng chia sẻ thêm, hiện nay anh rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi không biết nên tiếp tục với nghề môi giới bất động sản hay quay lại với công việc văn phòng như trước kia. “Bây giờ muốn quay lại công việc cũ cũng khó vì hiện nay nhiều công ty gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự, nên tôi xin việc bây giờ cũng rất khó. Tôi cũng chưa biết làm thế nào tiếp theo”, anh Hải băn khoăn.
Rất nhiều người trẻ khi mới bước chân vào nghề môi giới bất động sản, đem theo nhiều ước mơ, hoài bão lớn. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn họ cảm thấy hoàn toàn sụp đổ với những hy vọng. Có thể thấy, dịch bệnh Covid - 19 làm thị trường đóng băng không chỉ ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Ngay môi giới bất động sản họ cũng đang phải gánh chịu vô vàn tác động, kể cả khi thị trường đã tái hoạt động trở lại.