Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá giao dịch bất động sản (BĐS) đối với nhà ở trong quý II tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với Quý I cũng như cùng kỳ năm 2020.

Đối với căn hộ chung cư, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, giá giao dịch vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý I và được dự báo có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới. Bởi lẽ, chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm.

Trên thực tế, các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực trong quý II vừa qua, nhất là tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội...

leftcenterrightdel
Giá giao dịch BĐS đối với nhà ở dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Ảnh minh họa) 

Khác hẳn với kênh chứng khoán, vàng... BĐS vẫn là kênh đầu tư có giá trị thực do được ngân hàng bảo lãnh cho vay. Đồng thời, chủ sở hữu BĐS có thể dùng tài sản này để thế chấp, sản sinh ra dòng tiền phục vụ nhu cầu đầu tư khác hoặc kinh doanh sinh lời.

Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định, BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Điều này thể hiện rất rõ trong thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Do đó, các chuyên gia dự báo khó có thể xảy ra tình trạng thị trường BĐS mất thanh khoản và giảm giá. Mức giá BĐS sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn còn khá cao.

Với tốc độ tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, không ít người đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các sản phẩm như đất nền, căn hộ nhằm kiếm lời. Những áp lực về dòng tiền do phải trả gốc, lãi vay ngân hàng,... khiến nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" đã buộc phải bán cắt lỗ các sản phẩm BĐS hoặc đối mặt với tình trạng "giữ không được, bán không xong".

Nhận định về thị trường BĐS hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để đầu tư dài hạn hoặc mua nhà để ở. Với dân số tăng nhanh, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh tăng theo, về lâu dài các BĐS vẫn có tiềm năng tăng giá.

Dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi vào khoảng quý IV sau khi có thể khống chế dịch bệnh trong quý III.

Theo đó, ông Đính cho rằng giá nhà, giá đất không những không giảm mà có xu hướng tăng. Đặc biệt, ngay trong bối cảnh dịch bệnh, vẫn có những dự án tăng giá khi đủ cơ sở pháp lý, bất chấp không thể tiêu thụ ngay trong lúc này. Điều này phản ánh tâm lý của nhiều nhà đầu tư đang coi bất động sản là kênh "trú ẩn" an toàn, thậm chí là tính xa hơn cho cơ hội sau dịch.

Khi Covid-19 hiện vẫn trong tình trạng chưa được kiểm soát, tâm lý của nhiều nhà đầu tư bất động sản cũng có sự thay đổi. Thị trường hiện tại đang mở ra cơ hội cho những người có nhu cầu ở thực hoặc đầu tư lâu dài, cùng những lựa chọn mới trong nhu cầu an cư.
Nguồn Kinh tế môi trường
Link bài gốc

https://kinhtemoitruong.vn/mua-o-thuc-va-dau-tu-dai-han-lieu-co-phai-la-xu-huong-bds-mua-dich-58805.html