Hệ sinh thái của đại gia Trần Văn Kỳ

Tập đoàn Hateco (Hateco Group) tiền thân là công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội, được thành lập năm 2004 bởi những cổ đông có nhiều kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực đầu tư tài chính, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và dự án bất động sản. Ông Trần Văn Kỳ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Hateco Group.

leftcenterrightdel
 Các dự án của tập đoàn HATECO GROUP

Tính đến tháng 10/2020, Hateco có vốn điều lệ 6.900 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Kỳ nắm giữ cổ phần chi phối. Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá thú vị, khi liên tiếp trong 3 năm 2016 -2018, Hateco đều ghi nhận doanh thu thụt lùi, lợi nhuận âm, tuy nhiên đến năm 2019 doanh nghiệp lại có lãi đột biến tăng gấp nhiều lần.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu của Hateco đạt 38,2 tỷ đồng, lỗ thuần 13,7 tỷ đồng, năm 2017, doanh thu giảm xuống 50%, chỉ còn 19,8 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ thuần -17,4 tỷ đồng. Đến năm 2018, Hateco chỉ vẻn vẹn thu được 135 triệu đồng, lỗ sau thuê lên đến 268 tỷ đồng, nhưng sang năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp tăng vọt lên mức 1.927 tỷ đồng, lãi ròng 391 tỷ đồng. Đây cũng là năm Hateco bàn giao các căn hộ tại dự án Hateco Apollo Xuân Phương (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Một điểm thú vị khác trong hệ sinh thái của đại gia Trần Văn Kỳ là mặc dù đang sở hữu 8 thành viên gồm Hateco Hà Nội, Hateco Thăng Long, Hateco Long Biên, Hateco Kinh Bắc, Hateco ICIC, Hateco Logistics, Hateco Đông Anh và Hafintech, với hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là bất động sản, logistics và đầu tư phát triển cảng biển, tuy nhiên, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Hateco. Ngoài hai dự án Hateco Hoàng Mai và Hateco Xuân Phương bị Thanh tra Sở Xây dựng "điểm mặt" mới đây, Dự án Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cũng được khách hàng quan tâm vì đang trong giai đoạn mở bán rầm rộ.

Điểm danh nhiều dự án Htaeco vướng lùm xùm pháp lý

Hateco Laroma- Chùa Láng

Về phía chủ đầu tư, Hateco Thăng Long được thành lập vào tháng 8/2016, với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng.

Trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội – tiền thân của CTCP Tập đoàn Hateco – nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ, Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Láng Trung 13,294% và ông Trần Văn Kỳ nắm giữ 6,706% vốn điều lệ còn lại.

Đến tháng 11/2017, Hợp tác xã Láng Trung đã thoái hết vốn. Cơ cấu cổ đông của Hateco Thăng Long thời điểm này gồm 2 cổ đông là Hateco Group nắm giữ 88,294% vốn điều lệ và ông Trần Văn Kỳ nắm giữ 6,706% vốn điều lệ.

leftcenterrightdel
 Dự án Hateco Laroma tại địa chỉ Lô số 4A, phường Láng Thượng, Đống Đa, TP. Hà Nội 

Đến cuối tháng 9/2020, Hateco Thăng Long nâng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Trong khi đó, thông tin trên các website ( www.hatecolaroma.com, www.Hateco-plaza.com ) cho biết, Dự án Hateco La Roma có quy mô 3.153 m2, được khởi công từ quý II/2017, dự kiến hoàn thành vào quý II/2021. Có 30 tầng nổi và 4 tầng hầm với 281 căn hộ cao cấp (5 căn Penthouse tầng 30 và 12 căn Duplex tầng 29), diện tích căn hộ từ 80m2 - 140m2 với giá bán từ 66-75 triệu đồng/ m2. Chủ đầu tư thay đổi liên tục về thời gian bàn giao lúc thì quý II/2020, lúc quý III/ 2021, hiện tại lại là Quý IV/2021?

Nhận được nhiều phản ánh của khách hàng, nhóm PV chúng tôi trong vai người đi mua nhà đã tới tìm hiểu về dự án. Nhân viên bán hàng nhiệt tình giới thiệu và đưa chúng tôi lên thăm quan tầng 29-30 là Duplex, Penthouse. Nhưng trong thực tế, Duplex, Penthouse không nằm trong hồ sơ xây dựng được cấp phép.

Tuy nhiên, một lần nữa, câu chuyện nguồn gốc 3.152 m2 của Hateco La Roma giữa tập đoàn Hateco và HTX Thương mại và Dịch vụ Láng Trung (HTX Láng Trung) được nhắc đến sau câu chuyện "vai trò của hợp tác xã trong việc phát triển nền nền nông nghiệp Việt Nam giai đoạn tới" của tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Trước đó, cho rằng Công ty Hateco và HTX Thương mại và Dịch vụ Láng Trung đang hợp thức hơn 3.000 m2 "đất vàng" với giá bèo dưới “chiêu bài” liên doanh, liên kết xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ…, một số xã viên HTX Láng Trung đã liên tiếp gửi đơn thư khiếu kiện tới các cơ quan chức năng.

Hateco Xuân Phương “hô biến” đất cây xanh mặt nước thành hợp đồng 90tr/ tháng

Bên cạnh đó, tại dự án Hateco Xuân Phương (Hateco Apollo), sau khi hoàn tất xây dựng công trình trái phép ven hồ thuộc ô đất cây xanh mặt nước tại Hateco Apollo, Chủ đầu tư Hateco đã cho Công ty CP Thương mại và Phát triển thương hiệu Quốc tế thuê kinh doanh nhà hàng, cà phê từ đó.

leftcenterrightdel
Dự án chung cư Hateco Xuân Phương mặt đường 70, Trần Hữu Dực kéo dài, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội 

Thời điểm ký hợp đồng thuê là tháng 5/2020 với thời hạn thuê 10 năm. Năm đầu tiên giá 90 triệu đồng/tháng, giá thuê được điều chỉnh qua các năm tiếp theo. Ngay sau ký hợp đồng, Công ty CP Thương mại và Phát triển thương hiệu Quốc tế đã chuyển cho Hateco 360 triệu đồng tiền đặt cọc, tương đương với 4 tháng tiền thuê. Hiện tại, 1 năm trôi qua, Công ty CP Thương mại và Phát triển thương hiệu Quốc tế đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng vào công trình trái phép ven hồ thuộc ô đất cây xanh mặt nước tại Hateco Apollo nhưng vẫn chưa được khai thác, dẫn đến tình trạng 2 bên đang tranh chấp chưa có hồi kết.

Trước hàng loạt sự việc lùm xùm liên quan đến Hateco như: Xây dựng sai quy hoạch, tình trạng mất nước tại chung cư Hateco Xuân Phương, nước bẩn, thiếu hụt diện tích tại Hateco Hoàng Mai, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự băn khoăn, e ngại khi tìm hiểu về dự án Hateco Laroma- Chùa Láng của chủ đầu tư này.

Nguồn Thương hiệu & Pháp luật
Link bài gốc

https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhieu-du-an-mang-thuong-hieu-hateco-vuong-lum-xum-phap-ly-d44168.html