Nợ phải trả 638 tỷ đồng
Golden West của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Việt Nam (Vietradico) đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận sau khi nằm trong danh sách “đen” các dự án bị Thanh tra Bộ Xây dựng “bêu tên”.
Hàng loạt vi phạm của Vietradico tại Golden West đã được “điểm danh” như thực hiện sai quy hoạch (điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25, số căn hộ tăng từ 352 căn thành 740 căn, số cư dân tăng từ 2.112 người thành 2.652 người); phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ; thi công sai Giấy phép xây dựng;...
Trước khi những vi phạm này được chỉ ra, Vietradico đã bán thành công hàng ngàn căn hộ. Golden West đã được mở bán cả thập niên trước. Giá bán mỗi mét vuông căn hộ lên tới gần 30 triệu đồng. Thời điểm đó, đây là mức rất cao.
Tới năm 2016, Golden West vẫn mang lại cho Vietradico nguồn tiền không nhỏ khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietradico vẫn đạt con số rất cao, lên đến 344 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tại Vietradico khá khiêm tốn, chỉ đạt 26 tỷ đồng.
Sau đó, doanh thu của Vietradico không ngừng lao dốc, chỉ còn 136 tỷ đồng (năm 2017), 62,4 tỷ đồng (năm 2018), 31,4 tỷ đồng (năm 2019) và 22,1 tỷ đồng (năm 2020). Có thể thấy, càng ngày, doanh thu của Vietradico càng giảm sút.
Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), 2016 là năm duy nhất Vietradico đạt lợi nhuận dương. Kể từ 2017, công ty liên tục thua lỗ với các khoản thua lỗ lần lượt là 3,3 tỷ đồng, 2,2 tỷ đồng, 104 triệu đồng và 996 triệu đồng.
Với việc doanh thu thấp, thua lỗ triền miên nên Vietradico gặp khó về dòng tiền. Không chỉ có vậy, công ty còn phải đối diện với tình trạng nợ nần chồng chất.
Tại ngày 31/3/2020, nợ phải trả tại Vietradico lên tới 638 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 75,1% tổng nguồn vốn công ty.
2020 không phải là năm duy nhất Vietradico rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Trước đó, nợ phải trả tại tại thời điểm cuối năm (từ 2016 đến 2019) của Vietradico lần lượt là 517 tỷ đồng, 576 tỷ đồng, 617 tỷ đồng và 645 tỷ đồng.
Đã cầm cố phần tài sản tại Golden West
Có thể thấy, trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), Vietradico luôn ghi nhận nợ phải trả dao động từ 517 tỷ đồng tới 645 tỷ đồng. Trong đó, chắc chắn có hàng trăm tỷ đồng là nợ vay.
Trước đây, Vietradico từng cầm cố chiếc siêu xe JAGUAR để nhận về khoản vay trị giá hơn 3,1 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Hoàn Kiếm.
Mới đây nhất, ngày 18/5/2022, Vietradico đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Bản Việt – Chi nhánh Hà Nội để vay vốn. Giá trị khoản vay không được tiết lộ.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Bản Việt là một phần tài sản tại Golden West, bao gồm: “Quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà Chủ đầu tư (Bên bảo đảm) thu được từ việc kinh doanh, phát triển Dự án “Sàn thương mại dịch vụ có Diện tích sử dụng: 2490,0 m2 tại Một phần mặt bằng tầng hầm 1 (tầng B1) khu trung tâm thương mại thuộc Dự án Cụm Nhà Ở Hỗn Hợp Chung Cư Kết Hợp Văn Phòng Và Siêu Thị, tại ô đất ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội” (gọi tắt là “Sàn thương mại dịch vụ”).
Ngoài ra, các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất) của Dự án Sàn thương mại dịch vụ cũng là tài sản thế chấp.
Các khoản phải thu, quyền lợi của Chủ đầu tư từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng dự án; huy động vốn, bán/chuyển nhượng nhà ở và công trình xây dựng; các khoản bồi thường, các khoản thanh toán khác liên quan đến Dự án Sàn thương mại dịch vụ; Tất cả lợi ích phát sinh khác Chủ đầu tư có được trong quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh Dự án Sàn thương mại dịch vụ nhưng loại trừ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Dự án cũng đã được thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt.
Hà Anh