Chậm tiến độ 14 năm mới bị xử, biến điểm du lịch thành điểm bán biệt thự
Gần đây, dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên (Công ty Phương Viên) làm chủ sử dụng đất liên tục bị cơ quan chức năng “réo tên”.
Mới nhất, ngày 28/12/2022, Sở Tài nguyên và Mội trường (TN&MT) Hà Nội công khai 4 dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Bốn dự án đó là Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Cụm Công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì); Dự án Khai thác chợ Kim Liên (23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa); Dự án Xây dựng xưởng sản xuất mành xuất khẩu (thị xã Sơn Tây) và Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh).
Trong đó, Khu nhà ở cao cấp Phương Viên là dự án nhà ở duy nhất. Vì thế, với tư cách là thành viên Group Người mua nhà, em chỉ quan tâm đến dự án này nên cũng chỉ hóng hớp thông tin dự án này cho các bác.
Trước đó, giữa tháng 9 năm nay, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt, dừng thực hiện 6 dự án nhà ở, khu đô thị tại Q.Nam Từ Liêm và huyện Mê Linh, H.Thường Tín do chậm triển khai. 1 trong 6 dự án này là Khu nhà ở cao cấp Phương Viên.
Khu nhà ở cao cấp Phương Viên do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên (Công ty Phương Viên) làm chủ sử dụng đất có quy mô 31h, được giao đất từ năm 2008.
Như vậy, dự án chậm tiến độ tới 14 năm mới bị “xử”. Kể ra cũng lãng phí đất nhà nước phết.
Đấy là chưa kể trước đó 4 năm, vào năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã “sờ gáy” dự án Song Phương của Công ty Phương Viên. Song Phương được quy hoạch là điểm đến du lịch, phục vụ du khách nhưng chẳng hiểu bằng một cách nào đó, Công ty Phương Viên đã biến thành nơi bán biệt thự. Và cũng như dự Phương Viên, quỹ đất gần 10ha của Song Phương cũng trở thành nơi hoang hóa.
Ai chịu trách nhiệm?
Có một điều không thể bàn cãi trong câu chuyện này chính là hàng chục ha đất của thủ đô đã bị bỏ hoang, lãng phí. Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc với dự án Song Phương, em chưa hề nghe đến thông tin người phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm này. Hoặc đã công bố rồi, nhưng em chưa tìm ra. Bác nào có inbox em với ạ.
Còn với dự án Phương Viên, do mới bị “sờ gáy” nên vẫn chưa thể “truy” trách nhiệm của các bên liên quan. Thôi thì việc dễ nhất là ngồi xem lãnh đạo Công ty Phương Viên là ai.
Hiện tại, doanh nhân sinh năm 1984 Chu Văn Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Cơ cấu cổ đông Phương Viên không được tiết lộ. Đến ngày 14/12/2016, cổ đông sáng lập thoái vốn gần hết, chỉ còn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Đức với tỷ lệ sở hữu 15%, tương đương 6 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Đức thành lập ngày 26/6/1996 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Lê.
Cả Công ty Phương Viên và Công ty Việt Đức đều có bức tranh tài chính không ổn định khi doanh thu lúc tăng, lúc giảm và nợ cao vượt trội so với vốn.
Doanh thu năm 2021 của Phương Viên chỉ là 48,3 tỷ đồng, giảm 144,7 tỷ đồng, tương đương 75% so với “đỉnh” được thiết lập trong năm 2018. Kết quả là công ty lỗ 673 triệu đồng. Trước đó, công ty cũng thua lỗ trong năm 2017 và 2018.
Nợ phải trả của Phương Viên luôn ở trong tình trạng cao vượt trội so với vốn. Tại ngày 31/12/2021, nợ tại Phương Viên cao gấp 5,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 84,2% tổng nguồn vốn công ty.
Còn với Công ty Việt Đức, năm 2021, doanh thu chỉ đạt 130 tỷ đồng, giảm 149 tỷ đồng, tương đương 53,4% so với “đỉnh” thiết lập trong năm 2018. Công ty lỗ 18,1 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 8,8 tỷ đồng của năm 2020.
Hồi cuối năm 2021, nợ phải trả tại Việt Đức đạt 263 tỷ đồng, cao gấp 12,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 92,4% tổng nguồn vốn.
Hà Anh