Richland Residence liên quan đến Tập đoàn Kim Oanh
Thị trường bất động sản Bình Dương đang “nóng” lên bởi nhiều dự án đồng loạt được rao bán. Dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ Richland Residence là một trong những cái tên nổi bật nhất.
Residence có quy mô lên đến 15,46 ha, tọa lạc gần nút giao 2 trục giao thông huyết mạch: Vành đai 4 quy mô 6-8 làn xe, rộng 74,5m và ĐT 741, liền kề trung tâm thành phố mới.
Richland Residence hướng tới trở thành một khu đô thị vừa hiện đại, sang trọng và tinh tế nhưng cũng không kém phần yên bình với nhiều mảng xanh được chú trọng đầu tư.
Chủ đầu tư cho biết, đầu tháng 6, công trường dự án nhộn nhịp và dần khoác lên mình diện mạo của một khu đô thị hiện đại với những trục đường nội bộ được trải nhựa kiên cố, vỉa hè thông thoáng.
Richland Residence dự kiến giới thiệu tới thị trường với mức giá từ 18,6 triệu/m2. Người mua dự kiến thanh toán trước 30%, phần còn lại chia nhỏ nhiều đợt thanh toán và được ngân hàng OCB hỗ trợ vay vốn lên đến 55% với lãi suất ưu đãi.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (thành viên của Tập đoàn Kim Oanh) là chủ đầu tư Richland Residence. Tập đoàn Kim Oanh đóng vai trò phát triển dự án.
Thuận Lợi và Kim Oanh là những đơn vị có liên quan đến nhau vì giám đốc của Thuận Lợi là ông Nguyễn Thuận, chồng bà Đặng Thị Kim Oanh, Giám đốc Tập đoàn Kim Oanh. Ngoài ra, bà Kim Oanh còn nắm giữ cổ phần công ty Thuận Lợi.
Hành trình tăng nợ từ 981 tỷ lên 6.354 tỷ đồng
Điểm nổi bật của chủ đầu tư Richland Residence là... nợ. Nợ phải trả tại Công ty Thuận Lợi tăng đều đặn hàng năm.
Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của công ty đạt 6.354 tỷ đồng, tăng 1.643 tỷ đồng, tương đương 34,9% so với cuối năm 2019, cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 85,2% tổng nguồn vốn.
Thuận Lợi đã có hành trình 5 năm tăng nợ siêu tốc. Nếu năm 2016, nợ phải trả của công ty mới chỉ là 981 tỷ đồng thì tới năm 2020, chỉ tiêu này tăng đến 5.373 tỷ đồng, tương đương 548% so với năm 2016.
Nợ phải trả có tốc độ tăng mạnh vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 802 tỷ đồng, tương đương 267% so với năm 2016, tốc độ tăng chỉ bằng một nửa so với nợ.
Ngoài nợ, bức tranh tài chính tại Thuận Lợi cũng có nhiều vấn đề. Công ty tăng tốc trong năm 2017 và đạt đỉnh năm 2018 nhưng kể từ 2019, công ty “rơi tự do” khi lợi nhuận sau thuế “trở mặt” nhanh chóng, từ lãi 203 tỷ đồng thành lỗ 62,8 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, công ty lỗ thêm 208 tỷ đồng.
Cầm cố cả dự án và nỗ lo sổ đỏ
Hồi cuối năm 2020, Thuận Lợi đạt đỉnh về nợ phải trả. Góp phần không nhỏ trong số đó là các khoản nợ vay ngân hàng. Công ty đã phải cầm cố rất nhiều tài sản, trong đó có lợi ích liên quan đến dự án, từ đó dấy lên nỗi lo chậm trả sổ đỏ cho nhà đầu tư.
Cụ thể, trong những năm đầu hoạt động, tài sản thế chấp của Thuận Lợi là loạt xe sang như Audi, BMX, Lexus,... Sau này, dự án đã đưa vào danh sách tài sản đảm bảo của công ty.
Năm 2020, Toàn bộ lợi ích từ Quyền tài sản phát sinh của rất nhiều hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của công ty đã được cầm cố tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP.HCM.
Cũng trong năm 2020, Công ty Thuận Lợi gây xôn xao dư luận khi xin khất làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hang tại Khu dân cư Cầu Đò. Thế nhưng, Công ty Thuận Lợi cũng đồng thời tiến hành thế chấp một số sổ hồng của các lô đất có diện tích lớn tại dự án (mỗi lô gồm nhiều nền) cho ngân hàng và cá nhân để vay tiền.
Bước sang năm 2022, Công ty tiếp tục cầm cố tài sản liên quan dự án cho hai hợp đồng vay vốn tại OCB – Chi nhánh TP.HCM.
Cụ thể, tài sản đảm bảo là “Quyền đòi nợ của Bên thế chấp là quyền yêu cầu Bên có nghĩa vụ thanh toán phải thanh toán khoản tiền phát sinh từ các Hợp đồng liên quan đến việc mua nhà ở thuộc Dự án được ký giữa Bên thế chấp và Bên có nghĩa vụ thanh toán đối với (các) Căn hộ thuộc Dự án Chung cư Thuận Giao - Legacy Central”.
Hà Anh