Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji, được thành lập tháng 10/2018, đóng trụ sở tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Theo thông tin có được, gần đây, doanh nghiệp này đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji.
Vốn điều lệ ban đầu của Onsen Fuji là 50 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Hoàng Linh (49%, tương ứng 24,5 tỷ đồng), Đặng Thanh Tú (50%, tương ứng 25 tỷ đồng), Đặng Mạnh Quân (1%, tương ứng 500 triệu đồng). Người đại diện theo pháp luật thời kỳ này là bà Đặng Thanh Tú (sinh năm 1983).
Ngày 2/11/2020, tức tại lần thay đổi thứ 5, người đại diện theo pháp luật được đổi từ bà Đặng Thanh Tú sang ông Nguyễn Hoàng Linh (sinh năm 1979).
Hiện nay, vốn điều lệ của Onsen Fuji đạt 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với mức khởi đầu.
|
|
Onsen Fuji tổ chức thi công xây dựng dự án Tổ hợp Khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy không có giấy phép xây dựng. Ảnh: Anh Tuấn |
Trước khi Hà Tĩnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa tại 2 xã Thạch Văn và Thạch Trị, huyện Thạch Hà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trên tổng diện tích khoảng 66,15 ha; Onsen Fuji cũng là chủ đầu tư của hai dự án nghìn tỷ khác. Tuy nhiên, cả hai dự án này cũng vướng phải không ít lùm xùm.
Đứa con đầu lòng của Onsen Fuji là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng có tên thương mại là Wyndham Lynn Times Thanh Thủy được xây dựng trên khu đất 8.837,6 m2 tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, với kết cấu gồm 35 tầng (bao gồm các tầng kỹ thuật), mật độ xây dựng 43,85%, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1000 tỷ đồng.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai, dự án này đã không được thuận lợi, liên tục dính thị phi.
Đầu tiên, phải kể đến lùm xùm, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji tại xã Bảo Yên trước khi ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng và dịch vụ Sơn Hải ký Hợp đồng chuyển nhượng công ty và dự án trên cho Công ty Onsen Fuji.
Kế đến, ngày 11/6/2020, UBND huyện Thanh Thủy đã có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với Onsen Fuji do tổ chức thi công xây dựng dự án Tổ hợp Khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy không có giấy phép xây dựng.
Tiếp đó, chủ đầu tư dự án này lại tiếp tục vướng phải nghi vấn dấu hiệu huy động vốn trái phép khi chưa đủ điều kiện nhưng đã tiến hành nhận tiền cọc của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng ký quỹ.
Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn bị tố quảng cáo "lập lờ" khi nói dự án được xây dựng trên khu vực lõi của mỏ khoáng nóng Thanh Thủy kéo dài tới 1km là nguồn khoáng được coi là tốt nhất Việt Nam.
Liên quan đến quảng cáo trên, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường) khẳng định: Công ty Osen Fuji không có Giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng trên địa bàn huyện Thanh Thủy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Vào hồi đầu năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với việc công ty Onsen Fuji không có giấy phép thăm dò, khai thác nước khoáng nhưng lại đang quảng cáo rầm rộ gây hiểu lầm đối với khách hàng, dư luận...
Dự án nghìn tỷ thứ hai mà Onsen Fuji đầu tư là dự án Tổ hợp căn hộ Du lịch nghỉ dưỡng Dolce Penisola Quảng Bình.
Được biết, dự án khách sạn 6 sao Dolce Penisola Quảng Bình nằm trong dự án khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh, tọa lạc tại trung tâm thành phố Đồng Hới với diện tích trên 8.237m2. Dự án có quy mô 2 tòa tháp, cao 27 tầng, 1.600 căn khách sạn, 71 căn shophouse, 21 căn văn phòng và các tổ hợp tiện ích khác.
|
|
Văn bản của Sở Xây dựng Quảng Bình |
Tuy nhiên, ngay khi mới bắt đầu thực hiện dự án này cũng vướng phải nghi vấn có dấu hiệu huy động vốn khi chưa đủ điều kiện. Do vậy, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã ra thông báo rằng dự án Dolce Penisola chưa đủ điều kiện huy động vốn. Sở khuyến cáo người dân khi thực hiện các giao dịch mua bán, góp vốn tại dự án này cần tìm hiểu, kiểm tra chặt chẽ điều kiện, giấy tờ pháp lý có liên quan để tránh rủi ro trong việc đặt cọc, kí quỹ, góp vốn đầu tư kinh doanh.
Dù có được vài dự án lớn nhưng với việc thị phi nối tiếp nhau, giai đoạn 2018 – 2019 tình hình kinh doanh của Onsen Fuji gần như không có gì đáng kể. năm 2018, công ty không ghi nhận doanh thu, báo lỗ sau thuế 3 triệu đồng. Năm 2019, doanh thu nhích nhẹ lên 2,4 triệu đồng nhưng lỗ sau thuế 47 triệu đồng.
Vào năm 2019, nợ phải trả của Onsen Fuji đạt 79,2 tỷ đồng.