Giá đất tăng theo ngày, tuần

Trong vai người đi “săn” bất động sản, chúng tôi đến địa bàn ven khu vực được quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Lan Sơn thuộc hai xã Lan Mẫu, Yên Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) chúng tôi gặp nhóm người đang bàn tán rôm rả về thị trường bất động sản. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua lô đất trên trục đường liên xã chạy qua thôn, một phụ nữ trung tuổi cho biết, “đất đẹp ven trục đường liên xã đã bán hết từ trước, giờ chỉ mua lại với giá cao từ các nhà đầu tư thôi”.

Tiếp tục dò hỏi, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình ông V. Do nhu cầu trang trải công nợ khi làm nhà nên gia đình ông đang muốn tách sổ, bán lô đất 140 m2 bám sát trục đường xã. Dù không nằm ở vị trí đắc địa, song ông V vẫn đưa ra mức giá 3 tỷ đồng.

Theo ông V, cách đây khoảng một năm, có người trả 1,3 tỷ đồng cho lô đất nhưng ông không bán. Trước Tết vừa rồi, người ta lại trả 2,7 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đạt được mức giá ông mong muốn. “Năm 2004, tôi mua khu đất này (gần 400 m2) với giá 12,5 triệu đồng. Khi đó ai cũng bảo tôi gàn dở bởi đây là thùng vũng. Nay công nghiệp về làng, mọi người mới thấy lựa chọn của tôi là đúng”, ông V nói.

Theo một số nhà đầu tư, thời điểm này, thị trường đất nền khu vực ven các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành điểm nóng, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Khảo sát cho thấy, giá đất nền phân lô tại các địa phương lân cận khu, cụm công nghiệp ở các huyện Lục Nam, Việt Yên, Yên Dũng đang được đẩy lên mức khá cao.

Đáng chú ý, không chỉ đất nền Dự án tại các trục đường lớn mà đất đai trong làng, nơi hẻo lánh cũng tăng giá mạnh. Cụ thể, khu đất ở thôn Trại 2, xã Yên Sơn, người dân đưa ra mức giá 6 tỷ đồng cho gần 600 m2, trong khi diện tích đất này chỉ nằm giáp với tường bao của một doanh nghiệp đang xây dựng, ngõ vào nhỏ hẹp.

Để ngăn chặn rủi ro cho người dân khi giao dịch đất đai, theo lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng yêu cầu các xã, thị trấn thành lập tổ công tác rà soát, kịp thời xử lý vi phạm; chỉ Chủ tịch UBND cấp xã mới được ký hồ sơ liên quan đến đất đai và không đồng ý chuyển mục đích sử dụng đất nếu không bảo đảm các điều kiện.

Tại các thôn Chiền, Si, Nội của xã Nội Hoàng (Yên Dũng), giá đất cũng tăng chóng mặt. Nếu cách đây hơn một năm, người có nhu cầu bán đất tại các trục đường của thôn khó tìm được người mua thì nay cứ “thò” ra là có người hỏi mua với giá cao.

Theo ông Thân Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng, từ phát triển công nghiệp, nhất là khi triển khai dự án đường nối quốc lộ 37 và 17, giá đất trên địa bàn tăng cao. Có thời điểm giá đất tăng theo tuần, thậm chí theo ngày. Có khi sáng vừa bán, chiều đã được nhà đầu tư sang tay với giá chênh lệch hàng chục triệu đồng. Tại các thôn, hiện tượng người dân bán đất với giá 20-30 triệu đồng, thậm chí gần 40 triệu đồng/m2 không còn hiếm.

leftcenterrightdel
Đất nông thôn, đất nông nghiệp tại Tân Liễu, Yên Dũng cũng tăng mạnh vì thông tin đồn thổi doanh nghiệp lớn sắp về đầu tư 

Thận trọng khi đầu tư

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, do nhu cầu mua, bán đất tăng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như “làn sóng ngầm”. Tại xã Nội Hoàng xuất hiện tình trạng một số cá nhân mua đất rừng của người dân trong các ngõ ngách rồi đẩy giá mua đất nông nghiệp tại vị trí liền kề lên vài triệu đồng/m2 nhằm thu gom, tìm cách đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán. Hay như tại xã Tân Liễu (Yên Dũng), dù chưa có thông tin chính thức nào về việc Tập đoàn VinGroup vào đầu tư khu đô thị kết hợp với sân golf tại một số địa phương, trong đó có xã Tân Liễu song đã có nhà đầu tư tìm đến hỏi mua đất của người dân.

Đáng chú ý, mục tiêu họ tìm đến chủ yếu là đất rừng, không có giấy tờ, pháp lý đầy đủ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy cho biết, “với các dự án đầu tư mới, Yên Dũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản. Cùng với mang lại nguồn thu lớn từ đấu giá quyền sử dụng đất, hoạt động mua bán đất cũng mang đến những hệ lụy nhất định về an ninh trật tự, môi trường”.

Để ngăn chặn những rủi ro cho người dân trong các giao dịch đất đai, UBND huyện Yên Dũng yêu cầu các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác rà soát, kịp thời xử lý các vi phạm về đất đai; chỉ Chủ tịch UBND cấp xã mới được ký hồ sơ liên quan đến đất đai và không đồng ý chuyển mục đích sử dụng đất nếu không bảo đảm đầy đủ các điều kiện.

Tương tự, huyện Lục Nam, Việt Yên cũng có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa tình trạng mua bán đất không được phép.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Lại Thanh Sơn, những năm gần đây, Bắc Giang đã khởi sắc về phát triển kinh tế, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn; hạ tầng nhiều khu đô thị, khu dân cư được xây dựng; lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp lớn.

Những yếu tố này khiến giá đất nền, đất ở tại một số huyện, thành phố Bắc Giang tăng đột biến, nhất là khu vực ven khu, cụm công nghiệp. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào phân khúc bất động sản này với hy vọng sinh lời nhanh.

Bên cạnh đó, không ít người thiếu thông tin chính thống, tiếp cận những nguồn tin “ảo”, mơ hồ, chưa rõ căn cứ nhưng vẫn “xuống tiền” mua đất, nguy cơ rủi ro lớn. Một xu hướng khác là đẩy giá đất lên quá cao, không đúng giá trị thật, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Trước tình trạng này, các nhà đầu tư, người dân cần thận trọng khi giao dịch bất động sản, đặc biệt chú ý đến tính pháp lý của tài sản, chỉ mua bán, giao dịch khi có đầy đủ căn cứ và xác thực của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Trần Sơn/Pháp luật Việt Nam
Nguồn
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/mua-ban/than-trong-khi-dau-tu-mua-dat-nen-ven-khu-cum-cong-nghiep-tai-bac-giang-574852.html