Cụ thể, ngày 21/2, trên mạng xã hội xôn xao clip ghi cảnh một nhóm nhân viên của công ty bất động sản dựng rạp với sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư. Điều khiến nhiều người không khỏi giật mình là các nhân viên môi giới này liên tục chạy, chốt giá đất nền, tạo cơn sốt đất chỉ trong ít phút. Trong video dài hơn 4 phút, nhân viên của công ty đang chạy tán loạn, liên tục hô lớn “khách đặt cọc rồi nhé” tạo cảm giác gấp rút, đất bán đắt như tôm tươi. Chỉ mới 4 phút trôi qua nhưng khách đã đặt cọc tới 10 lô đất.
Tuy nhiên sau khi lực lượng chức năng vào cuộc đã xác minh, đơn vị tổ chức lễ mở bán dự án nêu trên là Tập đoàn địa ốc Nam Khương (trụ sở tại phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Và dự án được giới thiệu trong clip là Lộc Khánh Bình Phước cũng chỉ là một “dự án ma” - không hề tồn tại và không cơ quan nào cấp phép như lời quảng cáo của Địa ốc Nam Khương.
|
|
Nhiều nhân viên Tập đoàn địa ốc Nam Khương mặc vest cầm cặp da và sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chạy đi chạy lại liên tục, thông báo chốt cọc với một MC đứng giữa bãi đất trống. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp |
Liên quan câu chuyện này, khi đầu tư bất động sản mọi người cần lưu ý những “chiêu trò” như:
Thứ nhất, một số công ty bất động sản sẽ tổ chức buổi lễ được gọi với cái tên bắt tai là “cơ hội đầu tư bất động sản mới”. Nhưng thực chất đây là lễ mở bán đất, đội ngũ môi giới sẽ tận dụng để giới thiệu thông tin thị trường, giải thích việc nên đầu tư, khu vực bất động sản có tiềm năng gì, giá cả ra sao… Để tạo tâm lí cho khách hàng tới xem, trong buổi lễ cũng sẽ có những tiếng hô vang đầu tư. Ngoài ra, phía công ty còn bố trí thêm cò mồi đua nhau vào đặt cọc nhằm thúc đẩy không khí. Không chỉ vậy, họ còn cam kết với khách về tỉ suất sinh lời tốt. Tâm lí khi đi mua đất đó là thấy nhà nhà, người người tranh nhau thì mình cũng sẽ nóng ruột và nhanh chóng xuống tiền.
Chiêu trò thứ 2 là tạo nên hiệu ứng, khiến khách tin rằng đất ở 1 khu vực nào đó đang sốt. Họ sẽ cho môi giới tới uống trà đá để tám chuyện, bàn về lượng giao dịch tiềm năng, đất đai lời như thế nào để khách và chủ quán xung quanh đều nghe, tin theo. Không chỉ vậy, đội môi giới còn đi vào nhà dân để hỏi han tình hình hay thậm chí đặt cọc giá chênh lên 1 vài lô để mọi người lầm tưởng bất động sản đang nóng thật. Mọi người truyền tai nhau và vô tình tạo nên hiệu ứng. Để thị trường nóng lên nữa, nhiều môi giới còn huy động cả xe ô tô tới tận nơi xem đất, đóng giả là những người máu mặt. Đến nỗi, cò đất địa phương cũng bị lừa, thầm nghĩ nếu ngay cả nhà đầu tư lớn về xem thì hẳn là có sốt đất.
Chiêu trò khác cũng được nhà môi giới tận dụng là gọi điện. Cụ thể, họ sẽ làm giá 1 khu vực nào đó. Sau khi xác định, bên môi giới cho hàng chục người gọi điện tới nhà dân để trả giá. Cứ người nào có đất sẽ đều được gọi đồng loạt. Việc mọi người liên tục nhận được điện thoại sẽ đồn thổi, bàn bạc nhanh khiến giá đất tăng tạo thành cơn sốt.
Chung quan điểm này, chia sẻ với Dân Việt, luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM) khuyến cáo người dân khi tham gia vào các giao dịch bất động sản cần đặc biệt lưu ý tới pháp lý. Nếu thông qua môi giới, có thể yêu cầu cung cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình quan tâm. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ gặp phải những môi giới bất động sản không có tâm hoặc gặp phải những bất động sản được đưa giao dịch nhưng không đủ điều kiện theo quy định.