Thông tin khách hàng bị lộ
Theo đó, tài khoản có tên Đào Bình đăng phản ánh việc bị lộ thông tin cá nhân sau khi mua vé máy bay của hãng Hàng không Bamboo Airways: “Vì sao các đối tượng kinh doanh dịch vụ vận tải lại có đầy đủ thông tin, hành trình bay của tôi?":
"Ngày mai tôi có chuyến bay của Sài Gòn. Mọi thông tin về hành trình chuyến bay của tôi đáng ra phải được bảo mật. Vậy mà sáng nay, có một bạn nữ (giọng điệu cợt nhã) gọi cho tôi từ số máy: 0337796784 với nội dung: “A, anh Bình đây rồi! Anh Bình ngày mai đi công tác một mình thôi hả anh. Mai em qua đón anh ra sân bay nhé, dịch vụ bên em đưa đón anh ra tận sân bay đúng giờ, chuyến bay và lịch bay của anh là.... ”. Tôi bực mình: “Anh có lái xe rồi em! Mà tại sao em có đầy đủ thông tin về anh, về lịch trình chuyến bay, thậm chí biết anh đi một mình? Ai là người cung cấp những thông tin này cho em?”.- "Ơ….ơ, bên em mua thông tin mới có. Anh không đi thì thôi” rồi cúp máy.
Không biết các anh chị và các bạn có ai bị lộ thông tin như thế này không? Cảm giác rất khó chịu khi tiếp nhận. Việc đi công tác, bay chuyến bay nào, đi với ai là chuyện riêng tư cá nhân và cần được bảo mật. Tại sao các đơn vị khai thác dịch vụ lại có đầy đủ thông tin như vậy? Ai cho phép tiết lộ thông tin ra bên ngoài? Vậy, nếu những thông tin đó lọt vào tay kẻ xấu thì sẽ như thế nào?”.
Lộ thông tin là vi phạm pháp luật
Việc để lộ thông tin của khách hàng trước đó đã có nhiều người phản ánh song tình trạng này vẫn diễn ra. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về tình trạng "Chợ trời mua bán thông tin khách đi máy bay", nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc để lộ thông tin hành khách, cũng như trao đổi, mua bán thông tin, xâm phạm đời tư… là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy tính chất vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự (hậu quả nghiêm trọng). Hành khách bị lộ thông tin cũng có quyền khởi kiện đến tòa để đòi bồi thường.
Trả lời PV Báo Tuổi Trẻ, Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết căn cứ quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự, điều 6 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tổ chức phải được cá nhân, tổ chức đồng ý.
Tại điều 387 Bộ luật dân sự quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
Về chế tài, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người làm lộ thông tin bí mật của hành khách có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính, theo điều 65 nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy dữ liệu chứa thông tin của người tiêu dùng.
Nếu thông tin liên quan đến bí mật cá nhân người tiêu dùng thì người vi phạm bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên, hoặc có thể xử lý hình sự về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính theo điểm B khoản 1 điều 226 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Theo luật sư Nam, hãng hàng không là đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải vì vậy theo điều 387; khoản 5 điều 517 Bộ luật dân sự, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, bên vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Do đó, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc để lộ thông tin chuyến bay trước khi máy bay cất cánh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động an toàn bay trong vận tải hàng không. Thông tin hành trình bay, khách hàng trong chuyến bay bị lộ đối tượng xấu có thể lợi dụng những thông tin này để xác định nạn nhân rồi dùng các thủ đoạn để tiếp cận...
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về hãng hàng không
Cũng theo thông tin trên Tuổi Trẻ, Luật sư, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch - giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên An Pha Na - nhận định các hãng hàng không đã ủy quyền cho các đại lý để thực hiện bán vé máy bay. Do đó xét về trách nhiệm liên đới thì đơn vị chủ quản là hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra tình trạng mua bán, để lọt thông tin. Sau đó là đến các đại lý đã cung cấp thông tin ra ngoài…
Luật sư Trạch cho biết tại khoản 2, điều 46 Luật giao dịch điện tử năm 2005 đã có quy định cụ thể: không được sử dụng, cung cấp, tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức khi chưa có sự đồng ý của cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra trong khoản 2, điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng, nếu như người nào quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa ít nhất từ 2 lần trở lên, hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt thông thường thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Các đối tượng vi phạm ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hình sự thì người bị xâm phạm đời tư, lộ thông tin cá nhân hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự ra tòa để đòi lại những tổn thất của mình" - luật sư, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh thêm.