Cụ thể, trang “kem bôi nấm, hắc lào” giới thiệu loại kem xuất xứ Trung Quốc với công dụng trị nấm, ngứa, hắc lào, mề đay, á sừng... với giá 15 nghìn đồng. Theo quảng cáo, loại kem này được bào chế từ bọ cạp, lá khế, lá ngải, bạc hà, lá lốt, sài đất... o đó, hiệu quả ngay lần đầu sử dụng, hết ngứa sau 30 phút. Một nick name khác tên “bách niên long thị”, cũng giới thiệu loại kem bôi kinh điển của Trung Quốc có công dụng trị nấm ngứa, tổ đỉa, hắc lào, nấm móng tay... với quảng cáo có cánh người dùng chỉ cần bôi 5 phút sẽ cắt ngay cơn ngứa.
|
|
Kem bôi da không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng. |
Tương tự, nick name “himhang” đăng bài quảng cáo: “Cứ mỗi mùa thu, đông chị em lại hỏi nhau về lọ kem thần thánh. Loại kem này bôi da, bôi tay, chân, mặt... Khách bị á sừng 20 năm bôi cũng khỏi, bao năm tay, chân nứt nẻ bôi thuốc khác không khỏi nhưng chỉ cần dùng loại kem này là khỏi dứt điểm...”.
Theo đó, loại kem “thần thánh” trên có tên Glysolid, được giới thiệu xuất xứ từ Đức với thành phần thảo dược nên an toàn, lành tính. Kem Glysolid đang được bán với giá 130 nghìn đồng/1 tuýp/100ml.
Theo tìm hiểu của PV, các loại kem trên đa số đều ghi chữ nước ngoài nhưng trên sản phẩm không có tem phụ và người bán hàng cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. ThS. BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Trưởng Khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì da bị tổn thương do sử dụng các loại kem bôi ngoài da không rõ nguồn gốc. Các loại kem bôi da được quảng cáo rất hấp dẫn này thường chứa thành phần không an toàn cho da, trong đó có corticoid. Khi mới sử dụng da thường nhanh chóng có tác dụng nên đa số hợp với tất cả loại da nên bệnh nhân có tâm lý rất hài lòng.
Nhưng sau vài ngày đến vài năm da bắt đầu mỏng đi, nổi các mạch máu đỏ, xuất hiện vết nám, mụn trứng cá và trở nên rất nhạy cảm, thường xuyên ngứa rát, châm chích... gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trước hết, các thành phần điều trị không đúng sẽ không thể giúp da khỏi bệnh mà ngược lại làm tổn thương da càng nặng hơn, lan rộng hơn. Chưa kể các loại kem và thuốc bôi này còn có khả năng gây kích ứng, dị ứng, làm da bong tróc, đỏ rát, sưng nề, nổi mụn nước, rỉ dịch... Đặc biệt, trên người đã có các bệnh lý da sẵn thì tình trạng tổn thương da càng trầm trọng, nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị.
|
|
Người tiêu dùng cẩn trọng không dùng các loại thuốc bôi da trên mạng. |
Còn theo BSCKII Nguyễn Vũ Hoàng - Phó Trưởng Khoa lâm sàng 2 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hiện nay, bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc thoa. Đặc biệt, hiện nay có thuốc sinh học có khả năng khống chế bệnh vảy nến gần như hoàn toàn, bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường.
Để điều trị bệnh đúng cách, tránh tai biến xảy ra, BS Hoàng khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là những loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể gây tình trạng kích ứng tại chỗ, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường, lập tức đến thăm khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa da liễu có uy tín để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.