Hiện nay, ngày càng nhiều người lựa chọn thực phẩm chay sử dụng hàng ngày như một cách để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào sản xuất thực phẩm chay chế biến sẵn. Không chỉ cá nhân và hộ kinh doanh cá thể, hàng loạt doanh nghiệp cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường sôi động này. Nhanh chóng, hàng trăm sản phẩm chay được tung ra thị trường với mức giá không hề rẻ dù chất lượng chưa được kiểm định rõ ràng.

Nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua, thực phẩm chay còn được đưa lên các mạng xã hội, như Zalo, Facebook… Trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao từ ba đến bốn lần hàng trong nước sản xuất. Tuy đa dạng chủng loại, song điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm chay giả mặn như các loại giò, chả, heo quay, đùi gà… được bọc gói sơ sài, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, nhất là ngày sản xuất và hạn sử dụng… Mặt khác, thực phẩm chay ở các chợ dân sinh và trên mạng xã hội phần nhiều là sản phẩm do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

leftcenterrightdel

 Hàng nghìn kg chả đòn chay không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Cụ thể, qua công tác trinh sát và nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh An Giang phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh An Giang) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chay tại ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, An Giang, do bà Phan Thị Bích Tuyền làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của bà Tuyền sản xuất thực phẩm chay vi phạm: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sản xuất thực phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 3.000 kg chả đòn chay nghi vấn là có nhiều chả đòn chay trộn với thịt cá để lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá, phân tích chất lượng sản phẩm.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Cục QLTT tỉnh này vừa phát hiện và thu giữ 500 kg thực phẩm chay, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với sự phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý các sản phẩm này còn thiếu thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, cho nên chất lượng thực phẩm chay đang bị “thả nổi”. Trong khi đó, việc kiểm soát, thu hồi triệt để mặt hàng không bảo đảm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên. Để siết chặt quản lý an toàn thực phẩm chay, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp mạnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các công ty, nhà sản xuất thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy.

Người dân nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả các loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70oC trong khoảng từ 10 – 20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Nếu thực phẩm đóng gói công nghiệp bị phồng, rách hay hết hạn, người dân không nên sử dụng.

Đối với thực phẩm chay được chế biến sẵn thì việc sử dụng các chất phụ gia để tẩm ướp, bảo quản thực phẩm là điều chắc chắn. Những sản phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng là những sản phẩm sử dụng chất phụ gia có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế với liều lượng không vượt quá mức cho phép. Điều lưu ý là các chất phụ gia này khá đắt nên giá thành của các sản phẩm thành phẩm khá cao.

Có một số trường hợp vì chạy theo lợi nhuận mà sử dụng các chất phụ gia độc hại, không được phép dùng trong thực phẩm với mức chi phí thấp hơn nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng thậm chí có thể gây ung thư. Vì vậy không nên ham rẻ mà chọn những phẩm rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ và giấy kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được bán tràn lan trên thị trường.

Nguồn VietQ
Link bài gốc