Nhiều nội dung quảng cáo chất lượng ghế massage Tokuyo sai sự thật
Trong bài viết có nhan đề 'Thổi phồng' công dụng ghế massage Tokuyo, chất lượng sản phẩm có đảm bảo? đăng ngày 18/5/2022, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập nhiều sản phẩm ghế massage không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được phân phối trên thị trường. Thậm chí, để gia tăng doanh thu, có thương hiệu ghế massage còn không ngại tung ra 'chiêu' bài quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm để dẫn dụ, thu hút người tiêu dùng. Điều này khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng bởi không biết sản phẩm có thực sự tốt như quảng cáo của doanh nghiệp hay không.
Cũng trong bài viết này, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập tới trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo (có địa chỉ tại số 65, phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Công ty này hoạt động từ năm 2016, người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Khôi.
Cụ thể, thời gian qua, trên trang website và Facebook thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo, nhiều sản phẩm ghế massage được quảng cáo có khả năng trị liệu chuyên sâu, hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp.
Cụ thể, trên website https://tokuyo.com.vn/, sản phẩm ghế massage Nhật Tokuyo TC-675 được quảng cáo có khả năng “hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, hỗ trợ điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm” và giúp “lưu thông khí huyết, tăng cường sinh lực, giải toả căng thẳng, đẩy lùi cơn đau lập tức, phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, đào thải độc tố, đánh tan mệt mỏi…”. Sản phẩm còn được khuyến cáo dành cho người bị bệnh xương khớp, phụ nữ mang thai, bệnh nhân sau tai biến.
Hay sản phẩm ghế massage Nhật Bản JC-3680 được tung hô là “bác sĩ vật lý trị liệu tại gia”; sản phẩm ghế massage hồng ngoại được quảng cáo có khả năng “giải quyết mọi cơn đau” và “giảm đau xương khớp, giảm đau cấp tính hiệu quả”.
Mặc dù quảng cáo sản phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh về xương khớp, thoát vị đĩa đệm, trị liệu chuyên sâu nhưng phía Công ty TNHH Thương mại Tokuyo lại không đưa ra bằng chứng, căn cứ khoa học nào liên quan tới việc ghế massage của công ty có các công dụng kể trên là sự thật.
Chưa dừng lại ở đó, trên trang Facebook của công ty còn lồng ghép, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dùng về dịch Covid-19 để quảng cáo sản phẩm. Sản phẩm ghế massage Tokuyo được quảng cáo có khả năng “hỗ trợ đẩy lùi di chứng Covid-19”, “tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống bệnh tật”. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa cơ quan y tế nào xác nhận công dụng này của các loại ghế massage trên thị trường.
Trên website của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo cũng đăng tải hàng loạt bài viết tư vấn về các bệnh liên quan tới xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hoá xương khớp, bệnh loãng xương. Sau đó, lồng ghép nội dung quảng cáo thương hiệu sản phẩm ghế massage Tokuyo để thu hút người dùng. Điều này dễ khiến người dùng hiểu lầm công dụng thực sự của sản phẩm trong việc điều trị các bệnh kể trên.
Công ty thừa nhận sai sót
Tại buổi làm việc với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), bên cạnh việc cung cấp một số giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, ông Lê Văn Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tokuyo thừa nhận những nội dung quảng cáo nêu trên là chưa đúng sự thật.
Lý giải nguyên nhân những thông tin này có trên website và trang Facebook của công ty, ông Lê Văn Khôi cho biết trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty có thuê một số cộng tác viên viết và đăng tải bài viết quảng cáo cho thương hiệu ghế massage Tokuyo. Trong quá trình này, phía Công ty TNHH Thương mại Tokuyo đã kiểm soát không chặt chẽ nội dung bài đăng, khiến một số bài đăng có thông tin không đúng sự thật.
"Đợt dịch vừa qua do nhân lực thiếu, chúng tôi phải thuê thêm cộng tác viên bên ngoài viết bài quảng cáo cho sản phẩm. Tuy nhiên, do khâu xét duyệt nội dung còn sơ sài, thiếu sót nên mới xảy ra tình trạng như báo chí nêu. Hiện tại chúng tôi đã cho gỡ những thông tin quảng cáo sai sự thật mà báo chí đã phản ánh khỏi website của mình", ông Lê Văn Khôi trần tình.
Như vậy, có thể thấy, dù đưa ra nhiều ngôn từ hoa mỹ để quảng cáo cho sản phẩm của mình nhưng Công ty TNHH Thương mại Tokuyo lại không thể đưa ra bằng chứng khoa học hay bất cứ tài liệu nào để chứng minh sản phẩm ghế massage Tokuyo có công dụng "trị liệu" và phòng ngừa bệnh như quảng cáo. Bên cạnh đó, chính người đại diện pháp luật của công ty này cũng thừa nhận những nội dung quảng cáo công dụng sản phẩm ghế massage (như trong bài viết mà Chất lượng Việt Nam đề cập) là không đúng sự thật.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao một doanh nghiệp kinh doanh ghế massage có hệ thống phân phối lớn như Công ty TNHH Thương mại Tokuyo lại "bỏ lơ" khâu quảng cáo sản phẩm, dẫn đến nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của sản phẩm xuất hiện trên các nền tảng internet?
Liệu đây có phải chiêu trò để công ty này thu hút khách hàng? Có bao nhiêu người tiêu dùng vì tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ của Công ty TNHH Thương mại Tokuyo rồi mua sản phẩm? Nếu trong trường hợp mua sản phẩm vì tin vào quảng cáo sai sự thật, chất lượng không như thực tế, các khách hàng, người tiêu dùng có được Công ty TNHH Thương mại Tokuyo xin lỗi hay bồi thường hay không?