Thời gian qua, bất chấp các quy định pháp luật, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo thổi phồng công dụng, trong đó có cả việc lợi dụng hình ảnh, giả mạo tên tuổi y, bác sỹ để lừa dối khách hàng. Để giải quyết vấn nạn trên, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh dùng hình ảnh bác sỹ, bệnh nhân… để quảng cáo nhưng tình trạng trên chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hệ lụy là rất nhiều người tiêu dùng, bệnh nhân “sập bẫy” tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng trá hình là thuốc.
Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc tổ chức kinh doanh sản phẩm khớp Khang Bình, viên khớp Nam Việt, khớp Minh Đường do Công ty TNHH TM MINHA (Phòng 202 số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, Phường Thượng Đình, Quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối đã sử dụng chiêu trò, quảng cáo sai công dụng nhằm lừa dối, thu tiền của khách hàng.
|
|
Bộ sản phẩm lừa dối người tiêu dùng về công dụng? |
Cụ thể, ông Lâm Đình Thanh (SN 1956, trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) tố cáo Công ty TNHH TM MINHA lừa mua sản phẩm với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng?
Theo nội dung đơn, ông Thanh kể, ông bị bệnh xương khớp gần 2 năm. Khi ông đang điều trị tại bệnh viện thì có người xưng danh là bác sĩ Nguyễn Xuân Hào (SĐT: 0334588707) gọi tới quảng cáo mời ông mua thuốc để điều trị. Theo lời ông Thanh, bác sĩ Hào nói chuyện rất hay, quả quyết và khẳng định chữa dứt điểm bệnh xương khớp. “Tôi nghe không tin và chất vấn lại nhưng điều gì Hào cũng đều giải đáp được. Hào tư vấn cho tôi mua 2 liệu trình để điều trị khỏi bệnh xương khớp. Tôi nghĩ có bệnh thì vái tứ phương nên đã đồng ý mua”, ông Thanh kể lại.
Ngày 08/05/2021, ông Thanh lấy liệu trình đầu gồm 5 hộp Khớp Khang Bình BigFa 60 viên do Công ty cổ phần BIGFA sản xuất (địa chỉ Km36-QL6 KCN Lương Sơn, Hòa Bình) và được Công ty TNHH TM MINHHA chịu trách nhiệm phân phối. Toàn bộ số thuốc trên có giá 1,9 triệu đồng, được ship COD nhanh và không có hóa đơn, chứng từ.
Khoảng 1 tuần nhận thuốc, người xưng danh là bác sĩ Hào tiếp tục gọi điện chèo kéo ông Thanh mua tiếp liệu trình 2. Ngày 21/04, ông Thanh nhận liệu trình tiếp theo là viên khớp Nam Việt với giá 3 triệu đồng. 1 tuần sau đó, bac sĩ Hào lại gọi điện thông báo ông Thanh phải mua tiếp liệu trình 3 là một loại thuốc điều trị khác và dừng thuốc tây mà bệnh viện đã phát trước đó.
“Nghe bác sĩ Hào giải thích, tôi đã bỏ hẳn thuốc ở viện và tiếp tục nhận liệu trình 3 gồm 10 hộp Khang Bình Linh Hoạt với giá 6,5 triệu đồng. Khi bỏ thuốc tây tôi lại bị đau thì bác sĩ Hào giải thích do công thuốc, bảo vậy mới tốt nên khuyên tôi cứ tiếp tục uống...”, ông Thanh kể tiếp.
Ngày 11/05, ông Thanh lại bị “dụ” mua thêm liệu trình 4 gồm 10 hộp viên khớp Nam Việt với giá 4 triệu đồng.
|
|
Tổ chức kinh doanh "dụ" bệnh nhân mua các sản phẩm khác để điều trị dứt điểm bệnh xương khớp. |
Ngoài những lần nêu trên, ông Thanh còn liên tục bị “dụ dỗ” mua từ thuốc uống tới thuốc ngâm, thuốc tắm, thuốc thải độc với số tiền lớn nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh.
Thất vọng, ông Thanh gọi tới ông Hào với mong muốn được giải đáp thì chỉ nhận lại những lời có cánh, dụ ông Thanh mua tiếp liệu trình để điều trị, không những vậy còn đe dọa nếu không nhận thuốc điều trị sẽ không hoàn tiền thuốc như cam kết... và rồi lần nào gọi tới cũng khẳng định “đây là liệu trình cuối cùng”.
Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trao đổi với báo chí như sau: Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật.
Theo Điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.
|