Hầu hết mọi người sau khi nghỉ hưu, việc nhận lương hưu hằng tháng là khoản thu nhập chính ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của họ. Tuy nhiên, có một số người dù đang được hưởng lương hưu vốn là nguồn thu nhập chính, lại thắc mắc rằng khi nào mình được nhận ‘một cục tiền’. Có người nôn nóng nói rằng muốn có tiền để giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Theo em tìm hiểu pháp luật về BHXH hiện hành, ai đang hưởng lương hưu, nếu muốn nhận ‘một cục tiền’ chỉ có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Khi phải ra nước ngoài để định cư.

Để được hưởng ‘một cục tiền’ trong trường hợp này, bà con cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần.

- Bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ: Hộ chiếu do nước ngoài cấp, thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

- Giấy xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; hoặc giấy xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

Chuẩn bị xong hồ sơ thì trong vòng 30 ngày tính đến thời điểm bà con đủ điều kiện và có yêu cầu, bà con nộp cho cơ quan BHXH nơi cư trú để được giải quyết. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH phải giải quyết và chi trả cho bà con. Nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mức trợ cấp trong trường hợp này được tính như sau:

Cứ mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 thì được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng và cứ mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi thì được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng. Sau đó, cứ mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì trừ đi 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất sẽ bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Lưu ý:

- Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì được làm tròn, cụ thể từ 01 tháng đến 06 tháng thì được tính là nửa năm, và từ 07 tháng đến 11 tháng thì được tính là 01 năm.

- Nếu thời gian đóng BHXH trước năm 2014 có tháng lẻ sẽ chuyển số tháng lẻ sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp 2: Khi qua đời và người thân ở lại thuộc trường hợp được nhận trợ cấp tuất một lần.

Đây là một trong những chính sách phúc lợi dành cho bà con khi quyết định chọn phương án hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì chọn nhận BHXH một lần. Khi chọn phương án này, chẳng những bà con được nhận lương hưu mỗi tháng, được cấp thẻ BHYT mà người thân ở lại còn được nhận trợ cấp tuất khi bản thân qua đời.

leftcenterrightdel
 

Khi qua đời, người thân của người đang hưởng lương hưu được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.

Trong đó, trợ cấp mai táng hiện tại bằng 14,9 triệu đồng (tương đương với 10 lần mức lương cơ sở ở tháng mà người đang hưởng lương hưu mất).

Còn trợ cấp tuất tùy trường hợp cụ thể mà người thân ở lại được nhận hằng tháng hoặc một lần.

Đối với trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì người thân của người đã mất chỉ được nhận khi không có những người thân dưới đây:

- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố mất mà người mẹ đang mang thai.

- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người đã mất đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người đã mất đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Hoặc có những người thân nêu trên nhưng họ có nguyện vọng được hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Để được giải quyết chế độ này, người thân ở lại cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Bản sao Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc Quyết định tuyên bố người đó đã mất của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau theo thời gian đã hưởng lương hưu:

- Nếu qua đời trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.

- Nếu qua đời sau 02 tháng hưởng lương hưu thì theo công thức kể trên và cứ thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Trên đây là 2 trường hợp đang hưởng lương hưu, được nhận ‘một cục tiền’, anh chị em xem để biết đầy đủ quyền lợi của mình nha.

Nguồn
Link bài gốc