Có bắt buộc phải đổi sang mẫu thẻ mới?
Thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1/4. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT theo mẫu mới, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để KCB BHYT.
|
|
Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới năm 2021 (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, các thông tin về BHYT của người tham gia đã được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Do đó, dù đổi thẻ BHYT mẫu mới, nhưng những thông tin về quyền lợi BHYT của người tham gia đã được lưu trên hệ thống để phục vụ cho việc thực hiện KCB BHYT. Vì vậy, người tham gia được cấp thẻ BHYT mẫu mới hay mẫu cũ thì đều có thể sử dụng để KCB BHYT và hưởng các quyền lợi theo đối tượng mà mình tham gia.
Đây là thông tin được ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin về mẫu thẻ BHYT mới, ngày 24/3.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Liệu cũng chia sẻ thẻ BHYT mẫu mới sử dụng từ 1/4 có nhiều điểm khác biệt so với thẻ cũ như: kích thước nhỏ gọn; ép plastic để tăng độ bền, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng; 10 ký tự trên thẻ chính là mã số BHXH của người tham gia (thay vì 15 ký tự như trước)…
Mặt sau của thẻ BHYT in "Những điều cần chú ý": chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.
Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi người tham gia BHYT sinh sống nhằm giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, thẻ BHYT sử dụng con dấu của BHXH 63 tỉnh, thành phố, nay được thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (hoặc người được Tổng giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh). Việc này giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi khám chữa bệnh ngoại tỉnh hoặc đi sang tỉnh khác.
Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, việc tham gia, đổi thẻ BHYT để được cấp mẫu thẻ BHYT mới được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền
Địa điểm nộp hồ sơ: Người tham gia BHYT nộp hồ sơ tại các địa điểm: UBND cấp xã, cơ quan BHXH tỉnh/huyện, đơn vị sử dụng lao động, nhà trường.
Đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, Đại lý thu/nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH.
Trường hợp tham gia BHYT để cấp mới thẻ BHYT phải đóng tiền BHYT theo mức của đối tượng tham gia.
Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT sẽ không mất phí (Căn cứ điểm d Khoản 2 Điều 23 Luật Phí và lệ phí 2015).
Bước 3: Nhận thẻ BHYT
Người dân nhận thẻ BHYT tại nơi mình đã nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết:
- Cấp mới: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Cấp mới với người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
- Cấp lại, đổi thẻ BHYT:
+ Không thay đổi thông tin: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
+ Thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
Thời hạn này được tính từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.