Theo thống kê của Statista, trang thống kê dữ liệu hàng đầu của Đức, 4.57 tỉ người trên thế giới có thể truy cập internet, tương ứng với 59% dân số toàn cầu và con số này tại Việt Nam hiện là 94%. Rõ ràng, tỉ lệ người truy cập internet là minh chứng sống động nhất cho sự tất yếu trong phát triển du lịch thông minh vì bởi lẽ, thế giới ngày cảng phẳng, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin về du lịch và điểm đến. Một khi thông tin và điểm đến được truyền thông rộng rãi, thì việc tương tác, quảng bá hình ảnh của du lịch ĐBSCL sẽ được tiến hành dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nếu đã có du lịch thông minh, thì cũng có du khách thông minh – thuật ngữ nhằm hướng tới những du khách sử dụng thiết bị ICT và internet trong việc tìm kiếm thông tin trước chuyến đi, trải nghiệm thực tế trong chuyến đi và để lại các đánh giá (review) sau mỗi chuyến đi.
Việc phát triển du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch truyền thống, mà còn đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông cùng hệ thống các quy định pháp luật, chính sách để phát triển mô hình du lịch mới này.
|
|
Du lịch thông minh là hướng phát triển tất yếu cho du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long |
Theo đó, để phát triển du lịch thông minh tại ĐBSCL trong thời gian tới, ThS. Đặng Hoàng Minh - Giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học FPT Cần Thơ, Giám đốc Điều hành Cty CP TM-DL Nụ Cười Mê Kông cho rằng cần hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển du lịch thông minh cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lí, chính sách để thúc đẩy phát triển mô hình này. Ở trung ương, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có cơ chế, chính sách đặc thù và ban hành những văn bản cụ thể, quy định, hướng dẫn chi tiết về phát triển du lịch thông minh để định hướng cho ngành Du lịch và các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Ở địa phương, chính quyền cần chủ động tổ chức các hội thảo, đào tạo chuyên môn thông qua các lớp tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia về ICT để giới thiệu, phổ biến du lịch thông minh, các ứng dụng phục vụ du lịch. Một lộ trình hoàn chỉnh về phát triển du lịch thông minh cần được hoạch định trên cơ sở đề xuất bởi các cơ quan chủ quản ở địa phương dựa trên những điều kiện sẵn có và sự đầu tư của chính phủ, có tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển du lịch thông minh bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản địa.Điểm nhấn của lộ trình trên nằm ở việc khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước điện đại hóa ngành du lịch.
Một lưu ý khác cần được quan tâm trong việc đưa ra các quy định về bảo mật an toàn thông tin người dùng cũng như quản lý sự chính xác của các thông tin, hình ảnh trên các ứng dụng công nghệ thông tin. Do được phát triển trên nền tảng ICT, đây là vấn đề quan trọng do thông tin người dùng thường xuyên là mục tiêu tấn công của tội phạm không gian mạng. Bên cạnh đó, việc quản lý thông tin đăng tải trên các ứng dụng về điểm đến cũng góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng của dịch vụ được cung cấp và tạo cảm giác an tâm, an toàn cho du khách trong quá trình tham khảo, đặt dịch vụ. Các quy định phát triển du lịch thông minh cần gắn liền và tương thích với các quy định về phát triển kinh tế – xã hội thời 4.0 nói chung như: các chính sách về phát triển Chính phủ điện tử, thủ tục hành chính điện tử, thương mại điện tử, phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh, để đồng bộ với thể chế chính sách về phát triển du lịch thông minh.
Việc thứ hai cần làm là xác định mô hình và triển khai thí điểm. Tùy thuộc vào điều kiện phát triển cũng như những tiềm năng sẵn có, việc phát triển du lịch thông minh nên được thực hiện thí điểm ở một vài địa phương tại ĐBSCL với những chủ đề trọng điểm. Việc triển khai thí điểm này chính là bước đầu tiên và là phép thử trong việc nhân rộng mô hình. Nếu Vĩnh Long, Mỹ Tho có thế mạnh về vườn cây ăn trái, An Giang có thế mạnh về du lịch tâm linh, thì Sóc Trăng lại có nét đặc trưng về văn hóa ba dân tộc thể hiện qua ẩm thực, lễ hội và các phong tục dân tộc truyền thống. Đó là những ví dụ điển hình, cụ thể trong việc phát triển du lịch thông minh gắn với từng chủ đề của từng địa phương. Mặt khác, do những điều kiện khác biệt về trình độ phát triển con người, kinh tế, văn hóa, xã hội và cơ sở hạ tầng, việc triển khai thí điểm mô hình du lịch thông minh cần phải lưu tâm đến những nhân tố kể trên để đảm bảo tính hiệu quả vì bởi lẽ, không phải địa phương nào cũng có thể triển khai du lịch thông minh như kỳ vọng. Kinh nghiệm từ những mô hình triển khai thí điểm này chính là tài liệu quý báu, mang tính ứng dụng thực tiễn để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo tiền đề để nhân rộng du lịch thông minh trên phạm vi khu vực.
|
|
Cần tận dụng những điểm mạnh của ICT cho ngành du lịch |
Thứ ba là ứng dụng ICT cho ngành du lịch. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, tận dụng những điểm mạnh của ICT cho ngành du lịch cần được chú trọng đầu tư. Cần xác định và ưu tiên đầu tư cho các hạng mục công nghệ quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ; đầu tư sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho công tác quản lý và phát triển điểm đến; ứng dụng công nghệ cho công tác thống kê du lịch; ứng dụng công nghệ cho công tác bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển của các công ty khởi nghiệp định hướng công nghệ trong lĩnh vực du lịch cần được đẩy mạnh. Đây sẽ là nguồn lực trọng yếu trong việc đưa các ứng dụng du lịch trên nền tảng ICT vào thực tiễn kinh doanh cũng như cung cấp những sản phẩm du lịch thông minh đến với khách hàng.
Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Dù gần Tp. HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nguồn nhân lực được trang bị kiến thức về ICT cũng như xu hướng thế giới trong lĩnh vực du lịch tại ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ với phát triển du lịch thông minh; hợp tác, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cho Việt Nam, là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp cho nghành Du lịch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thông minh, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển. Cần lưu ý, nguồn nhân lực sau đào tạo bên cạnh được trang bị trình độ chuyên môn về du lịch, phải đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh. Thu hút nhân tài có trình độ cao về công nghệ vào làm việc trong ngành du lịch hứa hẹn là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu này.
Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh. Đây được xem như là một trong những hình thức đào tạo thường xuyên để nâng cao nhận thức của người dân về du lịch thông minh. Bên cạnh đó cũng trang bị cho họ những kiến thức căn bản về ICT để phát triển du lịch trên nền tảng công nghệ, nhận biết những cơ hội và rủi ro của loại hình kinh doanh này để tránh bị lợi dụng, lừa đảo.
ThS. Đặng Hoàng Minh - Giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học FPT Cần Thơ
Giám đốc Điều hành Cty CP TM-DL Nụ Cười Mê Kông
Tham luận được trình bày tại Hội thảo "Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy khai thác kinh tế số phục vụ liên kết, phát triển nông nghiệp bền vững gắn du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long"