Quá tiêu cực
"Đừng có đánh em gái!", "Thôi kéo đuôi con chó đi!", "Không được nghịch đất!". Số lượng những điều bạn hét lên, không cho trẻ làm là vô tận. Ở độ tuổi mới biết đi hoặc mới vào mẫu giáo, trẻ muốn khám phá rất nhiều từ cuộc sống xung quanh. Không ai muốn một đứa trẻ trở nên tùy tiện, không biết giới hạn, tuy nhiên bạn có thể khắc phục chứ việc luôn nói "không" sẽ từ chối trải nghiệm của trẻ.
Bạn nên "để dành" sự phản đối cho những tình huống thực sự nguy hiểm, ví dụ ngã vào ổ điện hoặc ăn nhầm cây có độc, thay vì "đừng đứng trong bồn tắm, nước bị chảy ra ngoài". Bạn hãy thử bình tĩnh hơn, khuyên trẻ "nên ngồi trong bồn tắm để tránh trơn trượt và tiết kiệm nước", sau đó dành lời khen nếu trẻ làm đúng. Để lớn lên, ai cũng cần có trải nghiệm, kể cả trẻ em.
Kỳ vọng quá nhiều
Giả sử bạn đang cầu nguyện trong nhà thờ và con hét lên. Cảm thấy xấu hổ, bạn nhắc nhở trẻ nhưng mọi việc tái diễn. Bạn thất vọng và tự hỏi tại sao trẻ không nghe lời? Trong trường hợp tương tự, bạn cần đóng vai trò giáo viên. Với trẻ em, việc phát triển kỹ năng kiểm soát xung đột hoặc làm theo các hành vi xã hội chuẩn mực tại nơi công cộng cần nhiều thời gian chứ không chỉ 1-2 câu nhắc nhở.
Tiến sĩ Linda Sonna, tác giả cuốn sách The Everything Toddler Book, chia sẻ phụ huynh có xu hướng kỳ vọng vào khả năng của trẻ. Bạn có thể nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng bằng những câu như "Con có thấy mọi người đều yên lặng không? Nếu cần gì hãy thì thầm vào tai mẹ". Việc này cần có sự lặp lại để trẻ học cách xử lý, hình thành thói quen. "Nên nhớ rằng, mọi thứ với trẻ em cần phải từ từ, không thể kỳ vọng quá nhiều rồi đốt cháy các giai đoạn phát triển", bà Sonna nói.
Trở thành hình mẫu xấu
Trẻ em như tấm gương phản chiếu người lớn. Nếu bạn chửi bậy khi một người không may xô phải bạn trong trung tâm thương mại, đừng ngạc nhiên nếu sau này trẻ cũng phản ứng tương tự. Chúng ta sẽ vô tình trở thành hình mẫu xấu mà không bao giờ muốn trẻ học theo. Các chuyên gia thừa nhận việc luôn giữ cho mình cư xử chuẩn mực, hoàn hảo là vô cùng khó khăn, ngay cả đối với những người trưởng thành. Tuy nhiên, bạn cần biết nói xin lỗi để thể hiện mình hiểu việc làm đó không đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể giải thích với trẻ tại sao làm như vậy là không đúng.
Deena Blumenfeld, một người mẹ ở Pittsburgh, đã cáu kỉnh với đứa trẻ 5 tuổi và nói "Con im lặng và mặc quần áo ngay lập tức" mỗi khi đứa trẻ ngủ dậy. Sau này, cô nhận ra đây là cách làm tiêu cực, không muốn con trai cũng phản ứng như vậy với các tình huống tương tự. Cô nói lời xin lỗi, sau đó dạy đứa trẻ về tầm quan trọng của việc đi học đúng giờ và đã thành công.
Chỉ nói mà không làm
"Tắt TV đi, nếu không mẹ sẽ bán nó", sau đó không có gì xảy ra. Để đứa trẻ tuân theo các quy tắc, hãy làm rõ những kỳ vọng, sau đó hành động nếu quy tắc đó không được tuân thủ. Do đó, bạn nên đưa ra các lựa chọn khả thi hơn việc "bán TV". Chẳng hạn, "Tắt TV và đi học bây giờ, nếu không mẹ sẽ cấm con xem ba ngày". Bạn cần bắt đầu bằng những chỉ thị tôn trọng, có thể diễn đạt theo cách đưa lựa chọn để trẻ cảm thấy mình có quyền chủ động.
Áp một tiêu chuẩn cho nhiều đứa trẻ
Việc bạn bè của bạn thành công với việc yêu cầu trẻ dậy sớm tập thể dục, học Toán vào buổi tối, không có nghĩa bạn cũng có thể làm điều tương tự với con mình. Không có bất cứ tiêu chuẩn chung cho mọi đứa trẻ, điều này hiệu quả với con bạn nhưng không có tác dụng với những đứa trẻ khác và ngược lại.
Do đó, bạn không nên áp dụng tùy tiện phương pháp dạy con của người khác lên con mình. Để đưa ra những phương pháp dạy trẻ hiệu quả, ngoài việc tham khảo từ bạn bè và trên Internet, bạn còn cần dựa vào tính cách của trẻ. Tùy từng trường hợp, bạn nên nghiêm khắc hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng.