Nồi chống dính
Sự tiện dụng của chảo/nồi chống dính là bạn không lo nguyên liệu, thực phẩm dính vào đáy, dễ dàng cho việc nấu nướng và thoải mái vệ sinh sau khi sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm là lớp chống dính dễ bị bong tróc theo thời gian. Cách sử dụng sai khiến nồi chống dính hỏng bao gồm:
- Dùng thìa, đùa kim loại chạm đảo trong nồi, khiến mặt chống dính xước.
- Để nồi ở nhiệt độ cao quá mức (khoảng hơn 200 độ C).
- Nấu các thực phẩm có gai, vỏ, xương cứng và đảo liên tục.
- Cho trực tiếp dấm, nước tương, rượu hay các gia vị khác có tính axit vào nồi, chảo chống dính và làm tăng tốc độ bị ăn mòn của lớp chống dính.
- Tiếp tục sử dụng dù nồi đã bị tróc lớp chống dính.
|
|
Ở nhiệt độ quá cao (260 độ C trở lên), vật chất chống dính PTFE sẽ bị biến chất, phân hủy thành chất độc hại. Ảnh: NYT. |
Hầu hết các loại nồi, chảo chống dính đều được phủ một lớp vật liệu chống dính Polytetrafluoroethylene (PTFE). Ở nhiệt độ quá cao (260 độ C trở lên), PTFE sẽ bị biến chất, phân hủy thành chất độc hại. Hiện nay, công nghệ hiện đại với các lớp phủ gốm sứ, thạch anh, titan... cũng đã được phát triển, nhưng dù cho chất liệu là gì đi nữa thì khi lớp phủ này bị xước, chất lượng sản phẩm cũng sẽ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng.
Nồi, chảo nhôm
Nồi, chảo nhôm có ưu điểm là dẫn nhiệt nhanh, tiện lợi, được các gia đình ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách khiến các ion nhôm được giải phóng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Cách sử dụng sai là:
- Nấu các món chua cay (ví dụ mì kim chi), hầm, tần thuốc bắc... trong nồi.
- Cho trực tiếp giấm, sốt cà chua... vào nồi.
Lượng nhỏ nhôm bị hòa tan trong chảo nhôm trong quá trình nấu nướng sẽ xâm nhập vào cơ thể, lắng đọng trong xương hay hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng đến hấp thụ canxi, làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Đặc biệt với người bị bệnh thận thì càng nguy hiểm.
Theo nghiên cứu, trong môi trường axit, chất nhôm trong chảo nhôm càng dễ bị bào mòn. Vậy nên bạn không nên nấu các món chua cay trong nồi nhôm. Bạn có thể sử dụng các loại nồi hợp kim khả năng chịu nhiệt cao, chịu lực và chống ăn mòn... khi chế biến các món này.
Nồi gốm
Các cách sử dụng nồi gốm sai bao gồm:
- Vừa nấu nóng đã xả lạnh, khiến nồi dễ nứt. Thậm chí nhiều trường hợp bê thẳng từ tủ lạnh đặt lên bếp, làm hỏng nồi.
- Tay cầm không có khả năng cách nhiệt, nếu không đeo găng tay dày sẽ bị bỏng
Nồi gốm, nồi đất là những loại an toàn, ít có sự lo ngại về độ an toàn, không hạn chế các nguyên vật liệu thực phẩm có tính axit, lại cho được vào lò vi sóng. Tuy nhiên để đảm bảo tính thẩm mỹ, nhiều nhà sản xuất đem "nhuộm" màu nồi đất cho bắt mắt bằng những màu khác tự nhiên, gây ra nguy hiểm cho người sử dụng vì chứa kim loại nặng. Thêm vào đó, chất liệu gốm cũng khiến sản phẩm nặng nề, cồng kềnh.
Nồi thủy tinh
Chất liệu này đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn cho sức khỏe, lại được đánh giá là sử dụng trên nhiều loại bếp. Bạn cũng dễ dàng làm vệ sinh cho sản phẩm. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm là dễ vỡ, đặc biệt là phần nắp. Giá thành của nồi này cũng cao hơn các nồi khác. Ngoài ra, nồi thủy tinh không phù hợp cho chiên rán, vì không có khả năng chống dính. Cách sử dụng sai thường thấy là:
- Sử dụng các loại dụng cụ sắc, nhọn khi nấu nướng, dễ làm xước, thậm chí là vỡ nồi.
- Xếp chồng nồi lên nhau sau khi nấu, làm chúng dính lại khó gỡ, gây trầy xước, thậm chí là vỡ.
- Để ở nhiệt độ quá cao, dẫn đến nứt, vỡ nồi.