Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện mô hình đầu tư vắc-xin, với lời hứa hẹn sẽ lãi từ 5% - 8%/ngày, tương đương 1.800% - 2.888%/năm.
Nhằm làm rõ mô hình đầu tư này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã liên hệ qua mạng xã hội với người tự xưng là “leader” của nhóm, đại diện công ty đứng kêu gọi rót vốn vào mô hình đầu tư vắc-xin này.
|
|
Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vắc - xin. |
Vị này khẳng định chắc nịch: Chỉ với 1 triệu đồng, sau 1 ngày, nhà đầu tư có thể thu lãi gần 100.000 đồng, sau 1 năm là được 36 triệu đồng.
Số tiền của nhà đầu tư rót vốn vào mô hình này, sẽ được công ty đứng ra đầu tư vào các gói vắc-xin hoặc trang thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Để đăng ký tài khoản, nhà đầu tư phải chơi qua một trang web hoặc ứng dụng có tên r383.
Ứng dụng này còn hiển thị tiến độ đầu tư của các gói; đầu tư với số tiền càng cao, tiền lãi mà người dùng được hứa hẹn càng lớn. Gói nào đạt 100% tiến độ sẽ bị đóng. Vì vậy, nhiều người đã quyết định đầu tư nhanh vì sợ mất cơ hội.
Tuy nhiên, khi được hỏi mã số thuế, trụ sở công ty, vị này lẩn tránh, và cho biết: “Công ty của chúng tôi là công ty nước ngoài, hoạt động tại Việt Nam theo hình thức ứng dụng trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi là công ty uy tín, có tên tuổi trên thế giới”.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, khi đã thu hút được một lượng người dùng nhất định, những ứng dụng này “sập” và người chơi mất trắng số tiền đã đầu tư. Đáng nói, người chơi không hoặc không thể tìm hiểu được, do thông tin về các dự án này khá sơ sài. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như với các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo hoặc Telegram.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một kiểu tấn công lừa đảo điển hình trên internet thời gian qua. Hình thức này sử dụng kỹ thuật cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, kẻ xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.
Chỉ cần vào một số trang mạng xã hội có thể thấy hàng chục hội nhóm kiểu “kiếm tiền online”, “kiếm tiền 5.0” thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Tuy nhiên, hầu hết trong số này là lừa đảo với hình thức phổ biến dụ người dùng bằng đầu tư với lãi suất cao “không tưởng”.
Trước tình trạng lừa đảo đầu tư trục lợi này, người sử dụng có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu như: Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn với lãi suất cực cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỷ lệ cố định; khó rút vốn và thường đưa ra lời mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn…
Ngoài ra, lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid-19, đã có không ít vụ việc lừa đảo với các hình thức khác nhau để người dân sập bẫy. Kẻ gian cũng có thể giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc-xin Covid-19, đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin Covid-19 giả…
Bộ Y tế trước đó cũng đưa ra các cảnh báo giả mạo trong cung ứng, mua bán vắc-xin Covid-19. Người tiêu dùng cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.
Để đảm bảo việc tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với đối tác cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới nhập khẩu về sử dụng trong nước theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.