Theo quy định phòng chống dịch, Nghệ An quy định người dân khi về quê từ các khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, 4) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ thấp hơn (cấp độ 1, 2) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong bảy ngày. Trong khi đó, Đà Nẵng lại quy định người dân về quê ăn Tết chỉ cần khai báo y tế trên ứng dụng PC Covid và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế. Còn tại Quảng Ngãi, người về từ các tỉnh, thành có số ca mắc Covid-19 cao như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... và các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, đã tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng sáu tháng vẫn phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng bảy ngày kể từ ngày về địa phương. Nhiều địa phương khác như Lâm Đồng hay các tỉnh miền Tây : An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… lại nới lỏng quy định hơn khi chỉ yêu cầu người về khai báo y tế và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, không phải cách ly. Trong phỏng vấn với báo người lao động, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết công dân về Lâm Đồng ăn Tết, kể cả khách du lịch, đều được qua lại tự do nhưng phải thực hiện theo đúng quy định phòng chống dịch. Người địa phương buộc phải khai báo y tế tại địa phương sinh sống, du khách khai báo y tế tại nơi cư trú. Tỉnh Bình Thuận cũng cung cấp tình hình tương tự. Hay Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết trong tình hình hiện nay thì tỉnh chỉ khuyến cáo người dân về quê đón Tết phải thực hiện đầy đủ 5K, không tụ tập đông người, không rượu bia để làm sao bảo đảm công tác phòng chống dịch ở địa phương. Còn theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng kế hoạch đón dân trở về quê ăn Tết. Sở Giao thông Vận tải là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các hãng xe khách để tổ chức đưa đón một cách an toàn và thuận lợi nhất.
Đối với tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng yêu cầu người đến từ vùng cam tự cách ly tại nhà bảy ngày, vùng đỏ cách ly tập trung bảy ngày. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đón người từ vùng xanh, vùng vàng; cách ly tập trung người từ hai vùng còn lại. Ninh Bình thậm chí còn yêu cầu người đến từ Hà Nội phải cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, tuy nhiên sau đó phải rút lại quy định, chuyển thành người từ vùng vàng, cam phải có kết quả âm tính nCoV trong 72 tiếng. Một số địa phương khác như Mộc Châu (Sơn La), Hà Giang, Hòa Bình vẫn đón người từ vùng cam hoặc đỏ, nhưng đi kèm yêu cầu tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 và có kết quả âm tính nCoV trong 72 tiếng trước chuyến đi.
Ngoài ra, còn một số tỉnh thành ra “tâm thư” khuyến cáo người dân hạn chế về quê dịp Tết. Như ngày 30/12/2021, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Thanh Hóa vừa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.
Hay Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cũng đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định; tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân đón Tết, kỷ niệm ngày truyền thống; sinh hoạt tôn giáo; đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang… Nhưng khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế về quê nếu không thật sự cần thiết. Điều này vừa chủ động trong phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón Tết yên vui.
Trên đây là một vài thông tin quy định của một số tỉnh thành về việc người dân về quê đón Tết Nhâm Dần, mọi người cần tìm hiểu kỹ hơn thông tin chi tiết của quê mình để nắm rõ và thực hiện tốt các quy định địa phương đề ra, cũng như các biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo gia đình có một mùa Tết sum vầy đầm ấm và an toàn nhất.