Thời gian gần đây khi câu chuyện tiêm vaccine được nhiều người quan tâm, tôi chợt nhận ra có những sự tương đồng giữa chuyện tiêm vaccine và tham gia bảo hiểm nhân thọ. Dưới đây là ý kiến của riêng tôi, có thể có nhiều người sẽ có quan điểm khác.

Từ trước đến nay, không có loại vaccine nào là toàn năng, giúp phòng tránh hết các loại bệnh. Tương tự như tham gia bảo hiểm, việc sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giúp dự phòng tài chính cho một số rủi ro nhất định chứ không phải cứ có bảo hiểm nhân thọ là được chi trả trong mọi trường hợp.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Nhu cầu được bảo vệ trong những trường hợp bất trắc, rủi ro ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Tương tự như câu chuyện tiêm chủng, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, bảo hiểm tham gia sớm sẽ có nhiều điểm lợi về chi phí và quyền lợi. Tuy nhiên, người được tiêm cũng như người sở hữu hợp đồng bảo hiểm cần hiểu đủ về mức độ bảo vệ, quyền lợi của mình để tránh lầm tưởng mình được bảo vệ cho tất cả các rủi ro.

Trường hợp anh Thành (32 tuổi, nhân viên văn phòng) tham gia bảo hiểm nhân thọ để giảm bớt gánh nặng tài chính khi không may có biến cố. Anh xác định mình là lao động chính trong gia đình, cần có sẵn khoản dự phòng cho vợ và con trong trường hợp cần thiết. Sau khi nghe thông tin từ người quen là tham gia sản phẩm bổ trợ (sản phẩm bổ sung) thì đây sẽ là phí rơi và không có giá trị hoàn lại, Thành bỏ đi phần sản phẩm bổ trợ hỗ trợ viện phí, vì cho rằng khoản này sẽ bị mất đi hàng năm một cách không cần thiết.

Tuy nhiên, đợt vừa rồi, anh không may bị sốt xuất huyết nặng phải vào viện điều trị 5 ngày với mức viện phí gần chục triệu đồng. Anh đưa hợp đồng bảo hiểm để đòi quyền lợi nhưng công ty từ chối vì không nằm trong phạm vi bảo vệ của sản phẩm chính. Thành tức tối trách móc, sau khi được bộ phận chăm sóc khách hàng giải thích, anh mới hiểu mình đang đòi quyền lợi không nằm trong hợp đồng đã ký.

Anh Thành không phải trường hợp cá biệt. Nhiều người sở hữu nhiều hợp đồng bảo hiểm nhưng không thực sự biết mình được bảo vệ đến đâu. Thậm chí, điều khoản ghi rõ trong hợp đồng nhưng vì ngại, lười đọc nên chỉ nắm được chủ hợp đồng, người thụ hưởng. Tâm lý dự phòng cho có nên nhiều người chỉ cần có sẵn vài hợp đồng bảo hiểm để đề phòng chuyện bất trắc thì gia đình, con cái còn có chỗ dựa. Tuy nhiên, khi được hỏi hợp đồng nào đi kèm với quyền lợi gì thì không ít người á khẩu.

Thiết nghĩ, trong một bữa cơm, ngoài món chính, thì việc có thêm các món phụ sẽ giúp bữa ăn trở nên hoàn chỉnh, mọi người cũng vui vẻ thưởng thức hơn. Thực tế, món chính hoàn toàn có thể giúp bạn no nhưng chưa chắc đã đảm bảo chất dinh dưỡng.

Trong bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm chính là quan trọng nhất, mang đến các quyền lợi bảo vệ trước rủi ro lớn trong cuộc đời như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn (ngoại trừ một số sản phẩm chính có thêm tính bảo vệ bệnh hiểm nghèo, viện phí, thường là dạng sản phẩm đóng gói sẵn quyền lợi). Vì tính chất của sản phẩm chính là vừa bảo vệ, vừa tiết kiệm và có thể là đầu tư, nên quyền lợi bảo vệ thông thường chỉ nằm ở mức cơ bản. Do đó, nếu muốn tăng cường bảo vệ toàn diện cho bản thân và gia đình, mỗi người có thể tham gia thêm các sản phẩm bổ trợ.

Tôi cũng từng gặp trường hợp tư vấn viên, vì sợ khách thấy số tiền lớn, từ chối tham gia bảo hiểm mà bỏ qua việc tư vấn các sản phẩm bổ trợ, trừ một số sản phẩm bổ trợ liên quan đến sức khỏe (vì quyền lợi dễ nhận được).

Để hiểu đủ khi tham gia bảo hiểm, đầu tiên, người mua cần hiểu rõ phạm vi bảo vệ của hợp đồng mình tham gia, quyền lợi của sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Điều này cũng tương tự như bản chất của vaccine, chúng ta cần tiêm đủ liều để tăng hiệu quả bảo vệ, giảm thiểu ảnh hưởng khi nhiễm bệnh.

Thứ hai, người mua cần lưu ý các điểm loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm. Bất cứ sản phẩm bảo hiểm nào cũng có những điều khoản loại trừ, khi rơi vào trường hợp này người mua sẽ không được chi trả. Điều khoản loại trừ là một phần không thể thiếu trong các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, được xây dựng trên nguyên tắc công bằng, cân đối giữa mức phí đóng và quyền lợi khách hàng được nhận. Tương tự như việc trước khi tiêm vaccine mọi người cần nắm rõ thông tin, hiểu rõ ý nghĩa và cách thức tiêm. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, người mua cần hiểu đúng, đọc kỹ và yêu cầu tư vấn kỹ lưỡng về các vấn đề này.

Bảo hiểm nhân thọ giống như một liều vaccine tài chính bảo vệ trước những tình huống rủi ro có thể xảy đến trong tương lai. Mỗi người cần hiểu đủ - mua đúng với nhu cầu thực tế của mình.

Chia sẻ của độc giả Thúy An
Nguồn Vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/su-tuong-dong-giua-mua-bao-hiem-va-tiem-vaccine-4371545.html