Hàng chục nghìn hộ dân vùng 3 huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá hy vọng, sau khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nước sạch sẽ nhanh chóng được xây dựng, cung cấp nước cho người dân. Thế nhưng, thay vì xây dựng dự án, nhà đầu tư liên tiếp đề xuất điều chỉnh dự án, không triển khai xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Ninh Văn Hợp, người dân xã Thăng Thọ, 1 trong số 47 hộ dân có đất thu hồi phục vụ dự án rất bức xúc về tình trạng dự án chậm tiến độ. Ông Hợp cho biết, gia đình ông có 2 xào đất lúa, vì nghĩ rằng việc xây dựng nhà máy nước sẽ giúp hàng nghìn người dân trong vùng có nước sạch sử dụng nên gia đình chấp thuận chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án. Nhưng không ngờ sau 3 năm đất bị dự án thu hồi vẫn giậm chân tại chỗ.
|
|
Mặt bằng dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ. |
"Họ hứa hão là 1-2 năm sẽ làm, nhưng đến bây giờ không thấy chương trình gì cả. Các cuộc họp dân đề nghị ra thì họ lại đem máy móc ra làm được vài 3 ngày lại thôi, lại dừng. Xác định làm nhà máy nước cho tập thể, cho dân thì dân ủng hộ, dân mới cho làm, còn giờ không làm thì xác định phải trả tiền lại lấy đất san lại mặt bằng thôi", ông Hợp bày tỏ.
Theo tìm hiểu của PV VOV, Dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống (đứng chân trên địa bàn xã Thăng Thọ) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 2/1/2018, do Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng môi trường Việt Nam có địa chỉ ở số 3, hẻm 52/11/76/5, tổ 5, phố Gia Quất, phường Thượng Oanh, quận Long Biên (Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Theo đó, Nhà máy nước sạch Thăng Thọ với công suất thiết kế 15.000 m3 ngày/đêm, sẽ cung cấp nước sạch cho 14 xã của huyện Nông Cống. Tổng vốn đầu tư khoảng 388,6 tỷ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng vào Quý I/2019, đưa vào hoạt động động Quý IV/2019. Thế nhưng, thay vì sự trông chờ ngày nhà máy đi vào hoạt động, dự án nhiều lần được nhà đầu tư đề xuất phương án điều chỉnh.
|
|
Người dân bức xúc về sự chậm trễ của dự án. |
Từ 14 xã nằm trong vùng được cung cấp nước, dự án điều chỉnh xuống 10 xã, rồi lại điều chỉnh lên 19 xã; công suất thiết kế từ 15.000 m3 điều chỉnh tăng lên 30.000 m3, rồi giảm xuống 29.000 m3; tổng mức đầu tư được điều chỉnh tà 388,6 tỷ đồng lên 410 tỷ đồng và 455 tỷ đồng…(?)
Gần đây nhất, ngày 21/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện dự án, theo đó tháng 9/2021 nhà máy phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Sở Xây dựng Thanh Hoá đã đưa dự án này vào danh mục những dự án hoàn thành trong năm 2021, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hoá. Thế nhưng, đến thời điểm này dự án vẫn là bãi đất trống, hoang vắng.
Ông Lê Đăng Thức, Phó chủ tịch UBND xã Thăng Thọ cho biết: trong các cuộc họp hội đồng, họp địa phương, người dân đều thể hiện bức xúc và kiến nghị chính quyền có biện pháp xử lý.
"Địa phương có đề nghị với huyện về việc nhà máy đẩy nhanh tiến độ công trình để cấp nước đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân. Công ty nói đang thúc đẩy nhưng chậm. Từ đầu năm đến giờ chưa làm gì. Năm 2020 huyện có đề nghị thì công ty đưa máy móc về mấy hôm lại rút đi", ông Thức nói.
|
|
Những gì hiện có tại mặt bằng dự án. |
Trước tình trạng ì ạch của dự án, chính quyền địa phương đã nhiều lần liên hệ, làm việc với chủ đầu tư. Ngày 23/10/2020 tại buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng môi trường Việt Nam, bà Nguyễn Thị Yến đại diện chủ đầu tư cam kết, sẽ triển khai thực hiện Dự án từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021. Tiếp đó, tại buổi làm việc ngày 10/3/2021, chủ đầu tư tiếp tục “khất” hoàn thành dự án trong tháng 9/2021…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: huyện đã hỗ trợ kịp thời chủ đầu tư về giải phóng mặt bằng, thủ tục hồ sơ, nhưng phía chủ đầu tư liên tục đề xuất điều chỉnh dự án và chậm triển khai thi công.
"Đây là những xã khó khăn về nước sinh hoạt, khi dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để xây dựng nhà máy nước cung cấp các xã này thì người dân rất phấn khởi, nhưng thực tế triển khai rất chậm. Huyện đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư, đề nghị nhà đầu tư xúc tiến đầu tư và sớm đưa nhà máy vào hoạt động, giải quyết khó khăn về nguồn nước cho người dân nhưng đến nay vẫn chậm. Chậm họ nói là do thủ tục, nhưng thủ tục xong hết rồi, thứ 2 là tiền vốn", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, dự án không chỉ có ý nghĩa đối với người dân, mà còn quyết định mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Đến thời điểm hiện tại, các xã vùng dự án đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nếu không có nước sạch, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao phải chậm lại.
Huyện Nông Cống sẽ phối hợp với UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan lập đoàn kiểm tra hiện trạng tiến độ thực hiện dự án đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, xử lý nếu Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Việt Nam không triển khai thêm hạng mục nào so với thời điểm hiện tại./.