Những ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm tới việc Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam vì chứa chất Ethylene Oxide (EO) có khả năng gây ung thư. Tương tự, Liên minh Châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương vì chứa chất cấm này.

Được biết, Ethylene Oxide (EO) còn gọi là oxiran và epoxit, là hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Về ứng dụng và mục đích sử dụng, EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

leftcenterrightdel
 Bao bì 2 sản phẩm của Acecook trong danh sách thu hồi của FSAI.  

Tại châu Âu, EO được xếp loại là sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép. EO được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, ở loại 3 về độc tính cấp tính, theo quy định Reg.1223/2009/EC của Hội đồng châu Âu.

Trên thực tế, điều mà dư luận quan tâm không chỉ nằm ở chỗ chất EO nguy hại ra sao, có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe mà một trong những vấn đề người tiêu dùng quan tâm lúc này còn là việc các sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam hiện có tồn tại chất này hay không. Và hiện tại, Việt Nam có tiêu chuẩn hay quy định nào về hàm lượng EO có trong mì ăn liền nói riêng, thực phẩm nói chung hay không?

Không chỉ mì ăn liền của Việt Nam bị thu hồi

Liên quan tới vấn đề trên, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Saint Paul trả lời trên báo chí cho biết, cần phải nhấn mạnh nguyên nhân chính xác khiến FSAI thu hồi khẩn cấp 3 lô sản phẩm gồm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Acecook (Việt Nam), cùng với mì ăn liền Yato Seafood của Trung Quốc; bởi có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Đây cũng không phải lần thu hồi mì ăn liền đầu tiên. Trước đó, vào 12/8/2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki (thương hiệu Paldo của Hàn Quốc) vì có hàm lượng EO cao.

Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về sản phẩm "Mì ăn liền hải sản" được sản xuất tại nhà máy Busan ở Nongshim và "Mì ăn liền bánh gạo xào" được sản xuất tại nhà máy Paldo Icheon.

Ngay sau đó, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành điều tra, kết quả xét nghiệm phát hiện 0,11 ml/kg EO trong hành lá khô của mì ăn liền thủy sản Nongshim xuất khẩu và 0,11 ml/kg EO trong gói rau bán ở thị trường nội địa. Ngoài ra, MFDS còn phát hiện 0,11 ml/kg trong gói gia vị.

Theo báo cáo của CVUAS (Đức) vào tháng 7 năm 2021, cơ quan này phân tích hàm lượng EO trong 25 sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ châu Âu (3) Trung Quốc (5), Hàn Quốc (4), Việt Nam (5), Thái Lan (4), Indonesia (3), Đài Loan (1).

Kết quả các sản phẩm chứa EO như sau: 5/5 sản phẩm của Việt Nam đều chứa EO, trong đó có 3 sản phẩm vượt mức. Hàn Quốc có 3/4 sản phẩm chứa EO, trong đó có 2 sản phẩm vượt mức; Trung Quốc có 2/5 sản phẩm chứa EO vượt mức. Thái Lan có 1 sản phẩm chứa EO. Còn lại Indonesia và Đài Loan không có sản phẩm nào. Điều đáng nói, mì ăn liền của Việt Nam có EO hàm lượng cao trong gói rau, có sản phẩm lên tới 150 mg/kg, bột gia vị cũng có hàm lượng cao đáng kể; so với các nước thì mì của Việt Nam nhiễm EO nhiều hơn đáng kể.

Tóm lại, không chỉ mì ăn liền của Việt Nam bị thu hồi ở châu Âu, mà Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị. Tuỳ theo quy định tiêu chuẩn EO của từng quốc gia, một gói mì (với hàm lượng EO nhất định) ở châu Á, Canada thì có thể an toàn nhưng sang tới Mỹ có thể bị áp bởi quy định khắt khe hơn. Thậm chí, sản phẩm sang châu Âu thì bị thu hồi.

Các nước quy định "chuẩn" hàm lượng EO trong thực phẩm ra sao?


Theo BS Trần Văn Phúc, EO là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử C2H4O, trong đó nguyên tử O liên kết với cả hai nguyên tử C nên khá linh động. Sau khi tiếp xúc với thực phẩm, EO dễ dàng tạo thành chất chuyển hóa với sự có mặt của các phân tử H2O, ion clorua và bromua như ethylene glycol, 2-chloroethanol (2-CE) và 2- bromoetanol tương ứng. Các sản phẩm chuyển hoá này khi định lượng, vẫn được gọi chung là EO.

EO là chất khử khuẩn phổ rộng, có khả năng làm biến đổi gen nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Vì lí do đó, năm 1981 Đức cấm sử dụng EO làm thuốc trừ sâu và khử trùng thực phẩm, đến năm 1991 thì Liên minh châu Âu cũng chính thức ban hành lệnh cấm.

Ngược lại, ở châu Á, thậm chí cả Mỹ và Canada vẫn cho phép sử dụng EO làm chất khử trùng hay thuốc bảo vệ thực vật bởi tới nay, vẫn chưa có giải pháp khử khuẩn nào hữu hiệu hơn.

Mỗi quốc gia quy định hàm lượng EO khác nhau. Cụ thể, tại châu Âu vì khó có thể có con số tuyệt đối nên chỉ cho phép hàm lượng EO từ 0,02 – 0,1 mg/kg.Trong khi đó, Canada cho phép hàm lượng EO ở mức 500 mg/kg; Mỹ cho phép EO trong các loại gia vị, thảo mộc khô, rau khô và hạt có dầu (kể cả vừng) từ 7 đến 940 mg/kg.

Sở dĩ có sự khác nhau về quy định hàm lượng EO giữa các nước là bởi theo từng quan điểm dựa trên điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Đơn cử, Mỹ và Canada cho rằng, yếu tố dẫn tới nguy cơ ung thư không nguy hiểm bằng các yếu tố gây nhiễm khuẩn, nên cho phép sử dụng EO.

Tại Châu Á đặc biêt là khu vực Đông Nam Á, do điều kiện thời tiết khí hậu thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa nên nguy cơ nhiễm khuẩn, nấm mốc rất cao. Chính vì vậy, các nhà chức trách đã phải cân nhắc rất nhiều nên buộc phải lựa chọn thà chấp nhận lượng tồn dư EO còn hơn để thực phẩm nhiễm khuẩn.

Còn châu Âu điều kiện nuôi trồng đều tuân thủ theo quy trình hữu cơ chuẩn, trong môi trường khử khuẩn. Rau sống mua ở ngoài siêu thị về chỉ cần cắt bỏ gốc là dùng luôn, không cần rửa. Bởi vì rau sống được trồng hữu cơ trong nhà kính vô trùng, người vào chăm sóc thì phải mặc PPE nghiêm ngặt như bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, người chăm sóc mà bị ốm dứt khoát không được phép vào. Đó là lí do tại sao châu Âu tiêu chuẩn lại ngặt nghèo như vậy.
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Văn bản của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (TP.HCM) về cảnh báo của Liên minh Châu Âu (EU) về sản phẩm mì khô vị bò gà.

Việt Nam có cần xây dựng tiêu chuẩn quy định hàm lượng EO trong thực phẩm?

BS Trần Văn Phúc cho biết thêm, hiện nay, nhiều quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam chưa đưa ra quy định về hàm lượng EO trong thực phẩm. Do đó vấn đề này cần được cơ quan chức năng nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên bối cảnh thực tiễn của Việt Nam và các tiêu chuẩn các quốc gia khác đã công bố.

Vị bác sĩ cho biết thêm, chỉ riêng tại Hàn Quốc hiện nay mới có quy định tiêu chuẩn giới hạn tạm thời EO dưới 30 mg/kg, thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 mg/kg. Riêng với thị trường Châu Âu, bắt buộc các nhà cung cấp rau củ quả phải canh tác bằng phương pháp hữu cơ gần như tuyệt đối mới đạt ngưỡng EO tiêu chuẩn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5777:2004 về mì ăn liền. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại mì ăn liền được đóng gói sẵn, có hoặc không kèm theo gói gia vị, hoặc mì đã được trộn/ phun sẵn gia vị; có thể ăn liền hoặc ăn liền sau khi ngâm trong nước sôi trong thời gian xác định.

Sau đó, TCVN 5777:2004 đã được thay thế bằng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7879:2008 (CODEX STAN 249:2006) về sản phẩm ngũ cốc dạng sợi ăn liền. Tiêu chuẩn này do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F1 Ngũ cốc và đậu đỗ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

TCVN 7879:2008 áp dụng cho các loại sản phẩm ngũ cốc dạng sợi ăn liền khác nhau. Sản phẩm ngũ cốc dạng sợi ăn liền có thể được đóng gói cùng với gói gia vị, hoặc ở dạng sản phẩm có tẩm gia vị và có hoặc không đóng thành gói lẻ, hoặc gia vị được phun lên sản phẩm và được làm khô sẵn cho sử dụng. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho mì sợi, mì ống.

Theo định nghĩa tại TCVN 7879:2008, sản phẩm ngũ cốc dạng sợi ăn liền là sản phẩm được chế biến từ bột mì và/hoặc bột gạo và/hoặc các loại bột khác và/hoặc tinh bột làm nguyên liệu chính, có bổ sung hoặc không bổ sung các thành phần khác. Sản phẩm có thể được xử lý bằng chất kiềm. Sản phẩm này đặc trưng bằng việc sử dụng quá trình gelatin hóa sơ bộ và khử nước bằng cách chiên hoặc các phương pháp khác.

Tại TCVN 7879:2008 có quy định cụ thể về thành phần chính và chỉ tiêu chất lượng, phụ gia thực phẩm, chất nhiễm bẩn, bao bì và điều kiện đóng gói, vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn... nhưng không nêu về hàm lượng EO.

Ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hổi sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam do có chứa chất EO.

Tiếp đó, EU cũng đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken - and beefspices” do Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương sản xuất, tại thị trường Na Uy do là sản phẩm này có chứa 0,052 mg/kg – ppm EO.

Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ quy trình sản xuất và đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide ở các sản phẩm nói trên.

Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/tu-vu-loat-san-pham-mi-an-lien-bi-thu-hoi-viet-nam-co-tieu-chuan-cho-ham-luong-chat-eo-hay-khong-d190586.html