Kể từ năm 2018, giao dịch mua sắm trực tuyến đã có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đến năm 2020, hình thức mua sắm này lại tăng trưởng nhanh chóng hơn bao giờ hết. Các kênh mua sắm trực tuyến chủ yếu là các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), kế đến là mạng xã hội.
Như một hệ quả tất yếu, hàng loạt hot face, Influencer hay KOL (người có tầm ảnh hưởng) xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Trang cá nhân của họ trở thành kênh bán hàng hữu hiệu cho các nhãn hàng muốn tăng độ phủ sóng sản phẩm. Lời hay ý tốt mà nhóm người này nhận xét về sản phẩm sẽ đem lại một lượng khách hàng không nhỏ cho nhãn hàng. Hot face bỗng chốc trở thành một nghề "hot" đem lại thu nhập đáng mơ ước. Chỉ cần nhìn bảng báo giá một số hot face tầm trung bình cũng đủ khiến nhiều người giật mình.
“Hot face” có nghĩa là từ dùng để mô tả những người nổi tiếng trên mạng facebook, được nhiều người dùng quan tâm. Thậm chí họ được biết đến như một thần tượng của giới trẻ trên mạng xã hội. Hot face có thể đi lên từ nhiều lĩnh vực khác nhau như giải trí, game, ca nhạc, hát nhép. Hoặc cũng có thể chỉ cần có nhan sắc, ngoại hình dễ thương, cách nói chuyện thú vị cũng có thể trở thành hot face. Hot face là một danh hiệu khá sáng giá và nổi tiếng. Vì vậy, một cá nhân nào đó chẳng thể nào tự nhận mình là hot face được. Danh hiệu này cần được người dùng hoặc có thể gọi là fan bình chọn. Với số lượng fan lớn thì nghiễm nhiên người đó sẽ trở thành hot face.
|
|
Nhãn hàng phải chi số tiền không nhỏ để thuê hot face PR sản phẩm. |
Tuy nhiên, nhiều hot face không có tài năng gì đặc biệt, không đem lại giá trị gì cho cộng đồng nhưng lại sở hữu tương tác khủng khó tin trên trang cá nhân khiến nhiều người không khỏi hoài nghi: Liệu họ có đang mua tương tác ảo để làm giá với nhãn hàng và lừa dối người tiêu dùng?
Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở khi bắt đầu từ giữa năm 2017, ông lớn mạng xã hội bắt đầu chiến dịch càn quét like ảo, xóa các tài khoản giả mạo. Một cuộc biến đổi rõ rệt đã được thể hiện sau đó. Hàng loạt hot face ngay lập tức "hiện nguyên hình".
Một chuyên viên quảng cáo, làm việc trong một agency lớn tại TP. HCM chia sẻ: "KOLs tại Việt Nam có thể chia thành 2 loại: Một là celebrity, KOLs - người đã nổi tiếng ở ngoài đời thực. Với họ, lượng follow trên Facebook không quan trọng. Mà quan trọng là danh tiếng, uy tín của họ tới đâu. Hai là "hot" blogger, "hot" Facebooker. Với đối tượng này, lượng follow khá quan trọng, vì yếu tố này ảnh hưởng tới lượng tương tác, sức lan toả, khi một đơn vị/ doanh nghiệp kết hợp quảng cáo cùng KOLs đó. Xét cho cùng, đâu ai biết ở ngoài đời họ như thế nào. Người ta chỉ thấy họ chia sẻ thông tin hữu ích, hoặc chụp ảnh đẹp trên Facebook là hết.
Như vậy, đợt thanh lọc "sub ảo" trên Facebook vừa qua chính là nhắm tới đối tượng KOLs thứ 2, là những người chỉ nổi tiếng trên mạng, trong khi ngoài đời chẳng ai biết họ ra sao, làm gì, đem lại lợi ích thế nào cho xã hội".
H.V - hot girl gây chấn động mạng xã hội một thời với vụ ồn ào "hỗn chiến phố đi bộ" sở hữu gần 700.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân. Con số này thậm chí cao gấp 5 - 10 lần các ngôi sao của showbiz. Không chỉ có lượng người thích bài viết ổn định, H.V còn được xem là "người có ảnh hưởng" giúp nhiều shop online tăng doanh số nếu "book quảng cáo" qua hot face này.
|
|
Trang cá nhân H.V giảm tương tác sau đợt càn quét của Facebook. |
Một bài viết cách đây 2 năm của H.V có hơn 15 nghìn lượt thích, so với bài post mới nhất trên Facebook của cô sau đợt càn quét của Facebook, lượng tương tác đã giảm ít nhất 100 lần với chưa đến 150 lượt bày tỏ cảm xúc.
Không còn sở hữu lượt tương tác mạnh mẽ như trước, một số hotface có sự chuyển dịch để duy trì lượng người theo dõi "thật". Số khác tìm đến những đơn vị cung cấp dịch vụ tăng tương tác "cao tay" hơn để lách các thuật toán càn quét từ phía Facebook.
Không chỉ tăng like, follow, nhiều đơn vị còn cung cấp những dịch vụ tăng bình luận, chia sẻ bài viết, thậm chí tăng người xem livestream. Điều này như khoác cho các hot face "dởm" thêm những lớp hào quang ảo, tiếp tay cho họ lừa gạt người tiêu dùng.
|
|
Công cụ tăng tương tác ảo được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. |
Sở dĩ các hot face "dởm" xuất hiện ngày càng nhiều và đắt "show" quảng cáo một phần đến từ sự dễ dãi trong khâu lựa chọn kênh quảng bá của nhãn hàng. Bên cạnh đó, giá thành của các gói tăng tương tác mua nút like nhiều khi "rẻ như cho", hot face dễ dàng sở hữu hàng nghìn lượt yêu thích trong một bài đăng chỉ với vài trăm ngàn đồng.
Điều này chắc chắn gây thiệt hại cho nhãn hàng bởi loại like này thực ra không phải like ảo, nhưng chúng lại bị hiểu nhầm là like ảo. Mặc dù tài khoản like của người dùng thật 100% nhưng vì lý do họ không quan tâm và không có nhu cầu với sản phẩm, dịch vụ của bạn nên tương tác thật và khách hàng tiềm năng thấp.
|
|
Tương tác "ảo" trong bài đăng của một hot face. |
Để góp phần ngăn chặn hiện tượng trên, nhãn hàng chắc chắn sẽ phải xem xét lại các KOLs "follow ảo", thậm chí là dừng hợp tác vô điều kiện. Vì thực tế, nhãn hàng đầu tư vào một KOLs thì họ cũng mong nhận về KPI tương ứng vậy. Nhắm không đạt được KPI thì việc dừng hợp tác cũng là điều dễ hiểu.
Đại diện một nhãn hàng V. sau khi đầu tư 150 triệu đồng vào một chiến dịch quảng bá có sử dụng hot face tiết lộ: "Chúng tôi thuê một loạt hot face chia sẻ website bán hàng của công ty trên trang cá nhân. Dù bài đăng của hot face có tương tác rất cao, có bài viết của hot face nhận hàng nghìn tương tác nhưng lượng truy cập trên website gần như không thay đổi, doanh số bán hàng cũng không được cải thiện". Người này cũng cho biết sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn KOL.
Anh T.T, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông khẳng định: "Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, sử dụng KOLs vẫn luôn là một khuynh hướng trong việc lan tỏa thương hiệu. Tuy nhiên, đa số dự án thành công, đều cần ngân sách khủng để chọn KOLs có sức ảnh hưởng nổi bật, tương tác thật cùng với đó là khả năng làm nội dung sáng tạo của các agency.
Còn lại, đa phần các doanh nghiệp vẫn khá chật vật trong các chiến dịch quảng cáo có sử dụng KOLs, hiệu quả thường không cao, một phần là do ham rẻ mà chọn phải những KOLs có tương tác ảo".
Ở phía người tiêu dùng, họ cũng sẽ cần cảnh giác cao độ trong trường hợp hot face dùng tương tác ảo để tăng độ tin cậy, uy tín của các bài đăng quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm kém chất lượng. Chịu thiệt thòi nhất chính là những người tiêu dùng ngây thơ, tin vào lời quảng cáo của những hot face ảo để rồi "tiền mất tật mang".