Theo thông tin ghi nhận trên Báo điện tử Quân đội nhân dân, mới đây trong một buổi họp báo, Trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Batista Galvao Simao đã nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được những quan ngại về các loại vaccine do các bên trung gian bán với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nhà sản xuất”.

Theo đó WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

Bà Simao cũng cho rằng, các nước nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để bảo đảm bên trung gian là hợp pháp trong bối cảnh có nhiều sản phẩm ngừa Covid-19 giả hoặc không đạt chuẩn đang được chào bán.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Các hình thức lừa đảo có thể gồm: Tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vaccine phòng COVID-19 để mời chào bán vaccine; Chào bán số lượng lớn vaccine cho Chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; Hoặc cung cấp các lô vaccine Covid-19 giả mạo.

Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca... Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vaccine trên hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này.

Để đảm bảo việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và an toàn, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, tổ chức khi nhận được các thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.

Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, Cơ quan ngoại giao, Thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vaccine phòng COVID-19.

Đồng thời, việc đàm phán, mua vaccine phòng COVID-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để đảm bảo việc nhập khẩu, sử dụng cũng như điều hành nguồn và tổ chức tiêm chủng được thông suốt, theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.


Nguồn
Link bài gốc