Sau 13 giờ ngày 20/7, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,9 – 57,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.817,7 USD/ounce.
|
|
Vàng được dự báo sẽ còn tăng trong dài hạn. |
So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay gần như đứng yên ở chiều mua vào và bán ra; giá vàng thế giới lại tăng thêm với mức 6 USD/ounce (khoảng 140.000 đồng).
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại lại nhích nhẹ 50.000 đồng/lượng lên 51,35 triệu đồng/lượng mua vào, 52,05 triệu đồng/lượng bán ra.
Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 650.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với cả tuần qua, nhưng đây là mức rất cao so với bình quân 400.000 đồng ở các tháng trước.
19 tỉnh thành phía Nam cùng áp dụng giãn cách chống dịch Covid- 19 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ nên hầu hết các tiệm và công ty kinh doanh vàng, trang sức khắp các tỉnh thành này đều đã tạm ngưng hoạt động.
Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đêm 19/7 thấp hơn khoảng 4,4% (83 USD/ounce) so với cuối năm 2020.
Trong ngày 19/7 giá vàng thế giới cầm cự tại vùng 1.800- 1.815 USD/ounce trong nhiều giờ. Tuy nhiên, khi Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (Opec) thống nhất tăng sản lượng, giá dầu thô đã giảm mạnh từ 71 USD/thùng xuống còn 67 USD/thùng, tác động xấu đến thị trường vàng. Bởi lẽ, khi dầu thô giảm giá, giá vàng thường giảm theo .
Nhiều người nhận định việc nắm giữ vàng sẽ bất lợi, họ thoái vốn khỏi vàng. Giá vàng có lúc giảm mạnh 20 USD/ounce, từ 1.815 USD/ounce xuống 1.795 USD/ounce lúc 20 giờ ngày 19/7
Khi lãi suất trái phiếu Mỹ giảm từ mức 1,2%/năm xuống còn 1,17%/năm, giới đầu tư không thu gom USD để mua trái phiếu. Do đó, USD ngừng tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Giá vàng nhờ thế kìm hãm đà giảm.
Biến thể Delta ngày càng lan rộng, giới đầu tư tài chính lo ngại, bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong... chìm trong màu đỏ. Giá cổ phiếu tại Phố Wall giảm đến mức kỷ lục. Các chỉ số Dowjones giảm 725 điểm, S&P 500 tiêu tan 68 điểm, Nasdaq mất đi 152 điểm sau khi đã giảm mạnh trong phiên dịch cuối tuần trước.
Nhiều người đã dịch chuyển một phần của dòng tiền vào thị trường vàng. Giá vàng thế giới vì thế giành lại 20 USD/ounce, tái lập mức giá 1.815 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay (20/7) lúc 6 giờ giao dịch tại 1.813 USD/ounce.
Giới kinh doanh cảnh báo giá vàng đang đối mặt rủi ro vì các quỹ đầu tư vàng có động thái xả hàng. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần các quỹ này đã bán ra 11,7 tấn vàng, trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán 5,83 tấn.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, vàng chuyển sang xu hướng tăng giá nhiều hơn. Giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục tăng. Và đây là một yếu tố hỗ trợ đối với vàng.
Thực tế, sự lây lan của virus Delta khiến cả USD và vàng tăng giá. Tuy nhiên, sự mạnh lên đồng USD hạn chế đà tăng của giá vàng. Thị trường đang lo ngại về sự lây lan mạnh của biến thể Delta và tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư lo ngại thị trường tài chính thế giới sẽ đối mặt với nhiều rủi ro do áp lực lạm phát ngày càng tăng và các ca mắc Covid-19 không ngừng tăng.
Vàng được dự báo sẽ còn tăng trong dài hạn. Trong tuần vừa qua, giá vàng thế giới tiếp tục ghi nhận tuần tăng thứ 4. Giá vàng thế giới được dự báo sẽ tăng đến 1.850 USD/ounce.
Dù vậy, các chuyên gia trong nước vẫn khuyên cá nhân có vốn, không đầu tư mua vàng lúc này bởi 3 lý do: thị trường mua bán đã tạm ngưng kinh doanh ở hầu hết tỉnh thành phía Nam, khiến việc mua bán không thể thực hiện nhanh chóng; chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới vẫn còn ở mức khá cao, gần 7 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua vào- bán ra của vàng miếng trong nước lên đến 650.000 đồng/lượng (trên 10%) nên khi giá vàng thế giới có tăng thì chưa chắc cá nhân mua vàng trong nước có thể bán với giá cao hơn giá vốn.