Tại báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết trong tháng 9/2022, đơn vị này đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, có 7 doanh nghiệp tại Hải Phòng lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

leftcenterrightdel
 7 công ty này cũng bị nêu đích danh tại Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa gửi Quốc hội. 

Cụ thể gồm có: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

1 vụ việc còn lại là từ Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp - tỉnh Tây Ninh, đơn vị này có dấu hiệu trốn thuế trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.

Trước đó, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 3.263 tỷ đồng; giảm chi NSNN 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 233 văn bản, gồm: 2 luật; 6 Nghị định; 23 Thông tư và 202 văn bản khác; có 45 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2022.

Dự kiến cho năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, sẽ bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.