Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020 đạt gần 13.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra.
Trước đó, Agribank đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận 2020 ở mức 12.500 tỷ đổng giảm gần 15% so với năm 2019.
Từ tháng 4/2020, Agribank có 07 lần giảm lãi suất cho vay, trong đó 04 lần giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên; 09 lần giảm phí dịch vụ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN và Thông tư 01 của NHNN với tổng dư nợ trên 38.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại nợ trên 33.000 tỷ đồng và miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Agribank đã thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh số gần 120.000 tỷ đồng trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74.000 tỷ đồng.
|
|
Lợi nhuận năm 2020 của Agribank ước vượt kế hoạch. |
Vẫn gian nan “con đường” tăng vốn, cổ phần hóa
Năm 2020, dù hoàn thành toàn diện mọi kế hoạch kinh doanh song Agribank cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề tăng vốn và cổ phần hóa.
Kết thúc năm 2020 (năm cuối cùng thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 của Agribank), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng hoàn thành tới 9/10 mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của Agribank còn thấp và tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng quy mô hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, chưa đáp ứng theo yêu cầu lộ trình triển khai tái cơ cấu.
Thực tế, nguyên nhân chủ yếu là do việc tăng vốn điều lệ tại Agribank phụ thuộc vào việc sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước cần có phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Agribank cũng thừa nhận, chỉ tiêu duy nhất mà Agribank không đạt đó là tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ tại Agribank đang ở mức rất thấp, không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Cụ thể, mức vốn điều lệ nhiều năm không được cải thiện đáng kể đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ ngang bằng vốn ở một số ngân hàng cổ phần.
Trong năm 2021, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-11%, tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Agribank phải được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng mới có thể đáp ứng được các quy định về an toàn vốn. Đây thực sự là một thách thức rất lớn. Bởi trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm ngân hàng chỉ được tăng khoảng 384 tỷ đồng vốn điều lệ, trong khi mục tiêu đề ra mỗi năm là tăng 5.000 tỷ đồng.
Ngoài vốn điều lệ, công tác cổ phần hóa của Agribank đến nay vẫn ngổn ngang. Thống đốc NHNN cho rằng, công tác chuẩn bị cổ phần hóa đã được Agribank chủ động thực hiện, tuy nhiên do đặc thù về quy mô và nguồn gốc hình thành tài sản, mạng lưới, con người và hoạt động kinh doanh nên quá trình chuẩn bị cổ phần hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài, chưa thể triển khai thực hiện cổ phần hóa.
Một câu hỏi được đặt ra là Agribank “câu giờ” cổ phần hóa có phải vì đất và nợ xấu?
Tại thời điểm 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu của Agribank là 2,15% (cuối quý I/2020 là 1,56%), chủ yếu tăng mạnh ở nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5. Tổng số nợ xấu của Agribank đến 30/6/2020 là 24.464 tỷ đồng trong khi tổng nguồn trích lập dự phòng của Agribank đạt gần 24.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 100% (chưa bao gồm tài sản đảm bảo).
|
|
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2020. |
Đáng lo nhất, theo lãnh đạo Agribank là việc thu hồi nợ đã được xử lý đang chậm lại. Agribank thu hồi nợ chủ yếu thông qua hình thức khởi kiện dân sự để đòi tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, do dịch bệnh, việc hỗ trợ xử lý nợ xấu của các tòa án, thi hành án chậm trễ hơn. Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, số vụ kiện dân sự chờ xử lý của Agribank khoảng 7.000 vụ, tăng 2.000 vụ so với đầu năm.
Bên cạnh đó, dịch bệnh xảy ra cũng khiến thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản kém, khiến việc chào bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019, tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của ngân hàng này là 1.383 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các khoản nợ tiền gửi của khách hàng, tăng 15% so với đầu năm. Trong khi, vốn điều lệ của Agribank là 30.591 tỷ đồng.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của ngân hàng là 1.103 triệu tỷ đồng, tài sản khác ở mức 23.483 tỷ đồng. Đặc biệt khoản phải thu tăng mạnh thêm 58% lên mức 9.997 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm các khoản phải thu nội bộ là các khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ nhân viên tổ chức tín dụng hơn 518 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu là hơn 12.932 tỷ đồng. Về nợ, tính đến 31/12/2019, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này chiếm tới 71% tổng nợ xấu.
|
|
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019. |
Năm 2019, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề về “Kết quả cơ cấu lại, cổ phần DNNN năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính từng cho rằng: “Agribank là hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động 1,5 năm mà phương án sử dụng đất đai chưa hoàn thành nên chưa cổ phần hoá được. Vì cổ phần hoá thì bị "treo" các mảnh đất chưa xác định được là dùng vào mục đích gì? Ở đây, phương án phê duyệt sắp xếp, sử dụng đất đai thì theo quy định là địa phương làm phê duyệt kế hoạch mục đích sử dụng đất. Nếu địa phương không quyết liệt làm, đủng đỉnh thì các doanh nghiệp chậm là đúng. Đó là Nhà nước chủ quan”.
Theo đó, với trường hợp của Agribank, tuy Bộ đã có hướng dẫn rà soát đất đai, nhưng do quy mô quá lớn, đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, chưa đưa ra được phương án sử dụng đất cụ thể. Hiện vẫn còn 194 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt.