Theo nhận xét của một số khách hàng, bánh có màu đen trông như bị cháy nhưng khi ăn có mùi thơm, không hề đắng."Bánh mì này phải ăn khi còn nóng, bởi nếu để lâu sẽ dai hơn bánh mì thường. Hương vị vẫn thơm giống như bánh mì truyền thống nhưng nhìn lạ mắt nên cảm giác ăn ngon miệng hơn", Hồng Nguyên, một thực khách, cho biết.

Về nguồn gốc ra đời, hai chàng trai Thành Trung và Minh Nhật được truyền cảm hứng từ sản phẩm bánh mì đen ở Quảng Ninh. Mong muốn mang sản phẩm này về khu vực miền Tây, họ đã đến Quảng Ninh để tìm hiểu. "Suốt mấy ngày ở đó chúng tôi chỉ ăn bánh mì để học hỏi kinh nghiệm. Dù thợ làm bánh có hướng dẫn vài chi tiết song chỉ là chung chung, chúng tôi vẫn phải tự mày mò tìm hiểu", Nhật nhớ lại.

Trong hơn một tuần thử nghiệm, nhân viên của quán phải ăn bánh mì trừ cơm, bỏ đi khoảng 70 kg bột, gần 1.000 chiếc bánh mì hỏng. Dần dần, hai người mới có được công thức hoàn thiện cho ổ bánh mì đen đạt chuẩn.

Nhằm tạo nên màu sắc đen tuyền đặc trưng cho loại bánh mì này, ngoài nguyên liệu chính là bột mì, men, muối, đường còn có thêm tinh than tre và bầu mực (mật của con mực). Công đoạn nhào bột cần nhiều lần và lâu hơn so với bánh mì thường. Phải cân bằng tỉ lệ sao cho khi nướng bánh có độ dai, giòn và nở tốt nhất. Nếu không pha chuẩn, bánh mì sẽ chai, khi nướng sẽ không nở, không giòn.

"Quán có lò bánh mì ở Vĩnh Long, khá xa với điểm bán nên việc ủ bột cũng được làm từ khoảng 21h đêm hôm trước, đến rạng sáng là hoàn thành việc nướng bánh và vận chuyển đến Cần Thơ bán cho kịp giờ", anh Trung nói. Hiện tại mỗi ngày quán bán trung bình 750 - 800 bánh, từ 7h sáng và 16h chiều cho đến khi hết bánh

Nguồn
Link bài gốc