Theo bài báo, những điểm yếu được coi là  "gót chân Asin" của  Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh nằm ở điểm chính sau đây:

Một là, quy mô nợ tăng dần

Theo SBS, từ 2017 - 2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của DXG đã tăng 135%, tương ứng doanh nghiệp đã tăng vay nợ ròng thêm 3.415,9 tỉ đồng và chiếm 25,3% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

So với các khoản vay ngân hàng thì nợ đến từ trái phiếu đang chiếm phần lớn hơn đến gần 86% tổng vay nợ. Những ngân hàng đang là chủ nợ lớn của DXG dẫn đầu là Vietinbank, MSB, VPBank và TPBank..

Tại ngày 31.12.2020, vốn chủ sở hữu của DXG là 9.084 tỉ đồng trong khi đó tổng nợ phải trả ở mức 14.227 tỉ đồng. Tổng nợ vượt vốn chủ sở hữu tới 56,6%; chiếm xấp xỉ 61% tổng nguồn vốn (23.311 tỉ đồng).

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính chiếm 41,7% tổng nợ phải trả của DXG, ở mức 5.944 tỉ đồng. Phần lớn là nợ dài hạn với 3.876 tỉ đồng.

So với nhiều doanh nghiệp cùng ngành như Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE:DIG); Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE:KDH); Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE:NTL) thì các chỉ số sinh lời của DXG ở mức rất thấp. Trong khi đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lại cao.

Một số chỉ tiêu tài chính của DXG so với các doanh nghiệp cùng ngành. Nguồn: SBS, BCTC năm 2020.

Một số chỉ tiêu tài chính của DXG so với các doanh nghiệp cùng ngành. Nguồn: SBS, BCTC năm 2020.
Tại ngày 31.3.2021, tổng nợ phải trả của DXG tăng thêm 1.372 tỉ đồng so với cuối năm 2020, ở mức 15.599 tỉ đồng, vẫn chiếm xấp xỉ 61% tổng nguồn vốn (25.674 tỉ đồng). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính tăng từ 5.944 tỉ đồng lên 7.137 tỉ đồng.

Hai là, hàng tồn kho lớn

Hàng tồn kho lớn đang gây ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp này. 

Tính đến ngày 31.12.2020, hàng tồn kho của DXG ghi nhận 10.251 tỉ đồng, chiếm gần 44% tổng giá trị tài sản. Các dự án thành phẩm tồn kho của Đất Xanh như Dự án An Viên, Dự án Luxgarden, Dự án Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền đang chậm triển khai.

Kết thúc quý I/2021, hàng tồn kho của Đất Xanh có giảm nhẹ so với cuối năm 2020 nhưng vẫn ở mức 10.148 tỉ đồng.

Đơn cử, Dự án Gemriverside (quận 2, TP.HCM), một dự án trọng điểm của Tập đoàn Đất Xanh được triển khai từ năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2019, nhưng đến nay vẫn vướng mắc thủ tục pháp lý chưa thể triển khai tiếp. Tính đến ngày 31.3.2021, Đất Xanh đã chi vào dự án này khoảng 1.559 tỉ đồng.

Hàng tồn kho lớn ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp khiến các dự án không triển khai theo đúng kế hoạch. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý I/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DXG âm 516,47 tỉ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã Ck: DXG) vừa phê duyệt việc chào bán, phát hành và kế hoạch sử dụng vốn huy động trái phiếu quốc tế, tổng giá trị phát hành tối đa là 300 triệu USD. 

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Đất Xanh đã phát hành riêng lẻ 370 tỷ đồng trái phiếu với tổng cộng 12 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 7 tổ chức trong nước, 4 cá nhân trong nước và 1 tổ chức nước ngoài. Lô trái phiếu này có lãi suất cố định là 12%/năm, dự kiến đáo hạn vào ngày 18/3/2023. 

Số tiền huy động từ đợt phát hành này sẽ được sử dụng để phát triển các dự án đô thị khu vực lân cận TP. Hồ Chí Minh, đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng dự án Gem Sky World và bổ sung, tăng quy mô vốn hoạt động cho Đất Xanh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6 cổ phiếu DXG có mức giá 23.900 đồng/cổ phiếu.

 

Nguồn
Link bài gốc