Gần đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sở giao dịch 2 công bố bán đấu giá khoản nợ của CTCP Xuất Nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng với giá khởi điểm 1.045 tỉ đồng. Thời gian bán đấu giá dự kiến là ngày 17/9 tới đây.
Theo tìm hiểu, CTCP Xuất Nhập Khẩu Gạo Phụng Hoàng được thành lập vào ngày 28/8/2007 do bà Hồng Thị Bích Tuyền (sinh năm 1977) là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngành nghề kinh doanh chính của Gạo Phụng Hoàng là mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm gạo. Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại số 6789, quốc lộ 91, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, năm 2017, công ty trải qua hai lần tăng vốn. Cụ thể, vốn điều lệ tăng vốn từ 120 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng vào tháng 3/2017, sau đó tiếp tục tăng lên 360 tỉ đồng hồi tháng 6/2017.
Doanh thu nghìn tỉ, lãi chưa đến 10 tỉ
Còn theo số liệu người viết có được, hiệu quả hoạt động của Gạo Phụng Hoàng liên tục suy giảm trong những năm gần đây. Mặc dù qui mô doanh thu của Gạo Phụng Hoàng đạt hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm, lãi ròng doanh nghiệp thu về chưa đến 10 tỉ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu thuần ghi nhận tăng từ 2.013 tỉ đồng lên 2.327 tỉ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng tăng từ 68 tỉ đồng lên 105 tỉ đồng. Song, lợi nhuận sau thuế giảm từ 9,3 tỉ đồng xuống còn 800 triệu đồng. Biên lãi ròng của doanh nghiệp rất mỏng, chưa đến 1%.
Năm 2019, Gạo Phụng Hoàng bất ngờ báo lỗ 22,4 tỉ đồng, biên lợi nhuận sau thuế tương ứng âm 2,33%. Doanh thu thuần trong năm là 960 tỉ đồng, giảm 59% so với thực hiện năm 2018.
Kết quả kinh doanh thua lỗ của Gạo Phụng Hoàng được ghi nhận trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Cụ thể, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỉ USD, tăng 4,1% về lượng nhưng giảm 8,4% về kim ngạch so với năm 2018. Giá xuất khẩu ghi nhận giảm 12,1% so với cùng kì, về mức 440,7 USD/tấn.
Tại một số thị trường, xuất khẩu gạo giảm mạnh gồm như Indonesia giảm gần 95% cả về lượng và kim ngạch; Bangladesh giảm 76% về lượng và giảm 79,4% về kim ngạch; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 70,9% về lượng và giảm 75,8% về kim ngạch...
Vỡ nợ vì lạm dụng nợ vay
Trong khi đó, việc phụ thuộc lớn vào vốn vay khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm 31/12/2019, qui mô tài sản của công ty đạt 1.467 tỉ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Riêng các khoản phải thu ngắn hạn là 544 tỉ đồng, chiếm 37% tổng giá trị tài sản và tăng 22% so với đầu năm.
Cùng với sự gia tăng của khoản phải thu ngắn hạn (ghi nhận mức 544 tỉ đồng, chiếm 37% tổng giá trị tài sản và tăng 22% so với đầu năm), vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp giảm còn 1,94 lần (so với con số 7,71 lần trong năm 2018) cho thấy sự sụt giảm thanh khoản của công ty.
Nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2019 là 1.130 tỉ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Trở lại với khoản nợ được phát sinh giữa Gạo Phụng Hoàng và ngân hàng BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 từ tháng 1/2015, tổng dư nợ gốc, lãi vay và phí phạt phát sinh đến 31/3/2020 là 990 tỉ đồng.
Khoản nợ này được đảm bảo bằng 40 tài sản bao gồm 10 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích từ 77m2 tới 8.342m2 tại TP Cần Thơ, 4 ô tô, 2 dây chuyền sản xuất gạo và hơn 20 ghe tải.
Một trong số các tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là Nhà máy sản xuất gạo Phụng Hoàng 3. Nhà máy có công suất sản xuất đạt khoảng 500 tấn gạo chất lượng cao/ngày, được xây dựng theo công nghệ của Tập đoàn Buhler, Thụy Sĩ.
Có thể thấy, trong khi các doanh nghiệp khác đang manh nha hưởng lợi từ hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, Gạo Phụng Hoàng bị phát mãi tài sản là một bi kịch của bà chủ doanh nghiệp này.