Cùng với đó, những lô trái phiếu "khủng" phát hành cũng gây chú ý cho các nhà đầu tư. Ví dụ gần đây Tập đoàn R&H đã phát hành hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong mấy tháng cuối năm 2021 đã khiến các nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp này hơn. một trong những lô trái phiếu đó đến ngày đáo hạn vào tháng 9/2022 vừa qua.
Thống kê cho thấy chỉ trong mấy tháng cuối năm 2021 Tập đoàn R&H đã phát hành tổng cộng 7 lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 8.100 tỷ đồng. Trong đó có 1 lô giá trị thấp nhất 944 triệu đồng đã được công ty mua lại trước hạn vào tháng 4/2022.
Chi tiết cho thấy lô trái phiếu từ RHGCH2123002 đến RHGCH2123004 tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào tháng 4 và tháng 5/2023 nhằm huy động vốn bổ sung vốn hoạt động, thực hiện các hoạt động mua bán/sáp nhập của công ty, đầu tư và/hoặc hợp tác kinh doanh với đối tác để phát triển các dự án bất động sản tiềm năng.
Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này là:
- Cổ phần sở hữu của các cổ đông tại 1 doanh nghiệp bất động sản cùng quyền, quyền lợi và lợi ích hoặc các khoản tiền phân chia có liên quan.
- 51% cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại CTCP Đầu tư Xuân Phú Hải cùng các quyền lợi, nghĩa vụ hoặc tiền phân chia có liên quan.
- 100% phần vốn góp thuộc sở hữu của bên liên quan tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends cùng quyền lợi liên quan.
- Quyền sử dụng đất tại khu đất thực hiện Dự án Grand Mercure Hội An.
- Quyền tài sản (bao gồm quyền phát triển dự án và dòng tiền phát sinh các tài sản khác có liên quan) thuộc khu đất theo quy hoạch Dự án Grand Mercure Hội An).
- Các tài sản khác.
Số trái phiếu này do 1 công ty chứng khoán duy nhất mua.
Còn lô trái phiếu RHGCH2122001 phát hành ngày 20/9/2021 kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào 21/9/2022 vừa qua có tổng giá trị 650 tỷ đồng nhằm huy động vốn bổ sung vốn hoạt động và/hoặc hợp tác với các đối tác để phát triển các dự án bất động sản tiềm năng thông qua nhiều hình thức khác nhau được pháp luật cho phép.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là
- 100% cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại CTCP Đầu tư phát triển Sơn Long cùng các quyền và nghĩa vụ phát sinh.
- Quyền tài sản (bao gồm quyền phát triển dự án, dòng tiền phát sinh và ác tài sản khác liên quan) thuộc khu đất theo quy hoạch xây dựng Dự án Bãi Cháy.
-Quyền sử dụng của khu đất thực hiện Dự án Bãi Cháy.
- Và các tài sản khác.
Lô trái phiếu này cũng do 1 công ty chứng khoán mua trọn.
Như vậy chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng từ 20/9 đến 3/11/2022 Tập đoàn R&H đã phát hành 4 lô trái phiếu tổng giá trị 3.150 tỷ đồng, đều do Chứng khoán Tiên Phong (mã chứng khoán TPS) tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, thanh toán và chuyển nhượng… Số trái phiếu này có kỳ hạn 12 đến 18 tháng, trong đó có lô trái phiếu 650 tỷ đồng đáo hạn tháng 9/2022.
Tiếp đó trong tháng 12/2021 Tập đoàn R&H tiếp tục phát hành 3 lô trái phiếu tổng giá trị hơn 5.000 tỷ đồng. Các trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn tháng 12/2024. Số trái phiếu này không công bố rõ thông tin cụ thể về đơn vị tư vấn phát hành cũng như tài sản đảm bảo...
Tuy vậy một thông tin là Chứng khoán Tiên Phong giao dịch rất nhiều trái phiếu thuộc "họ" R&H trong nửa đầu năm 2022.
Trong 7 lô trái phiếu phát hành năm 2021 của Tập đoàn R&H, chỉ có một số lô có thông tin cụ thể về tài sản đảm bảo. Trong đó có 3 lô trị giá 2.500 tỷ đồng có tài sản đảm bảo liên quan 51% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Xuân Hải; 100% số vốn góp tại Công ty Xây dựng Friends và quyền sử dụng đất liên quan Dự án Grand Mercure Hội An.
Tuy vậy các đăng ký giao dịch đảm bảo của Tập đoàn R&H lại không có thông tin trùng khớp với các tài sản đảm bảo được nêu trên, đặc biệt cái tên Dự án Grand Mercure Hội An.
Thế chấp của Tập đoàn R&H
Trước hết là tập đoàn R&H, không có các thông tin về giao dịch đảm bảo như trong thông tin phát hành trái phiếu đã ghi ở trên. Tuy vậy:
- Tháng 3/2022 Tập đoàn R&H có giao dịch đảm bảo với bên nhận đảm bảo là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank-CTG) chi nhánh 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ký hợp đồng đảm bảo từ tháng 1/2022 (không trùng thời gian phát hành trái phiếu của R&H).
Tài sản đảm bảo là toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của R&H tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends (410 tỷ đồng) cùng tất cả các quyền lợi liên quan đến số vốn góp này.
Công ty Xây dựng Friend này mới thành lập từ tháng 1/2020 do bà Phạm Thị Hạnh là giám đốc và là chủ sở hữu. Phạm Thị Hạnh còn là người đại diện cho các công ty khác như CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải; CTCP Đầu tư và phát triển Sơn Long. Thông tin liên quan Công ty Friend sẽ còn cập nhật tiếp phía sau.
- Đến tháng 7/2022 Tập đoàn R&H lại có thêm giao dịch đảm bảo với Ngân hàng Tiên Phong. Tài sản đảm bảo là 12 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Prime Land – cổ phần chưa đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Thông tin thế chấp của Xây dựng Friends
Đã xuất hiện cái tên công ty Xây dựng Friends trong tài sản thế chấp của Tập đoàn R&H. Lần lại dữ liệu cho thấy Công ty Friends lại đang có giao dịch đảm bảo tại chính Vietinbank chi nhánh 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp đồng ký tháng 1/2022 và đăng ký đảm bảo tháng 3/2022 (cũng không trùng khớp với thời gian phát hành trái phiếu của R&H).
Tài sản đảm bảo của Xây dựng Friends tại Vietinbank là 28.552.534 cổ phần của CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Phú Hải thuộc sở hữu của Xây dựng Friends, tương ứng 50,987% vốn điều lệ của Xuân Phú Hải cùng tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ, quyền tài sản liên quan phát sinh từ số cổ phần này tại Xuân Phú Hải.
Thông tin thế chấp của Xuân Phú Hải
Sự xuất hiện của con số 51% vốn điều lệ tại Xuân Phú Hải lại khiến nhà đầu tư nhìn lại giao dịch đảm bảo của Tập đoàn R&H. Công ty Xuân Phú Hải thành lập tháng 9/2011, cũng do bà Phạm Thị Hạnh là người đại diện. Thông tin thế chấp tài sản đảm bảo của Xuân Phú Hải cho biết cũng trong giai đoạn tháng 3/2022 công ty có đăng ký giao dịch đảm bảo tại Vietinbank chi nhánh 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp đồng ký từ tháng 1/2022 như Friends và R&H.
Tài sản mà Xuân Phú Hải thế chấp tại Vietinbank là các quyền tài sản, bao gồm quyền đòi nợ, quyền được phân chia, sử dụng và khai thác sản phẩm, toàn bộ các lợi ích thu được liên quan đến việc sở hữu, phát triển, khai thác Dự án Khu du lịch tại phương Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (không bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất); và số dư trên tài khoản chuyên thu nhằm nhận toàn bộ doanh thu phát sinh từ việc khai thác, kinh doanh dự án này. Bản đăng ký nhấn mạnh: Lợi ích thu được nêu trên không bao gồm quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Sau thời điểm đó Xuân Phú Hải đã mấy lần cập nhật tài sản đảm bảo, nhưng LOẠI TRỪ quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng được liệt kê, không phải là bổ sung tài sản đảm bảo. Ví dụ như tháng 6/2022 có thay đổi thông tin tài sản đảm bảo, có thêm đoạn Loại trừ là khá nhiều hợp đồng mua bán nhà.
Thông tin công bố các lô trái phiếu của Tập đoàn R&H trên HNX cho thấy những lô trái phiếu từ RHGCH2122001 đến RHGCH2123004 đều do CTCP Chứng khoán Tiên Phong (mã chứng khoán TPS) tư vấn phát hành.
Chứng khoán Tiên Phong còn ghi dấu ấn nhiều hơn ở những lô trái phiếu này, không chỉ là tổ chức tư vấn phát hành, còn là đơn vị đăng ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng, đại diện người sở hữu trái phiếu.
Không chỉ vậy Chứng khoán Tiên Phong còn có nhiều “mối quan hệ” khác với R&H.
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Chứng khoán Tiên Phong cho thấy tổng giá trị giao dịch của công ty chứng khoán trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 85.500 tỷ đồng, trong đó riêng giao dịch trái phiếu đã hơn 83.300 tỷ đồng, chiếm trên 97% tổng giá trị giao dịch của TPS trong kỳ.
Tổng giá trị các loại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của TPS đến cuối năm 2021 đạt 1.833 tỷ đồng, và giảm về còn 960 tỷ đồng giá trị gốc đến cuối quý 2/2022 – tương ứng bán đi trong kỳ hơn 900 tỷ đồng, trong đó riêng bán số trái phiếu chưa niêm yết đã hơn 775 tỷ đồng, trong đó có mua bán trái phiếu của Tập đoàn R&H.
Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chưa niêm yết trong kỳ hơn 200,79 triệu đơn vị, tương ứng hơn 20.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ TPS phát sinh rất nhiều giao dịch mua bán trái phiếu thuộc "họ" R&H, trong đó các mã trái phiếu GHGCH2124005 và RHGCH2124006 được liệt kê. Chứng khoán Tiên Phong vẫn còn nắm giữ trái phiếu RHGCH2124006 đến cuối quý 2/2022.
Kết quả của 6 tháng đầu năm 2022 cho biết Chứng khoán Tiên Phong đã phải ghi lỗ hơn 552 tỷ đồng từ bán các tài sản tài chính FVTPL, trong đó lỗ bán trái phiếu chưa niêm yết đã gần 459 tỷ đồng. Nhận lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt hơn 364 tỷ đồng. Kết qủa ương ứng lỗ ròng từ việc bán các tài sản tài chính 187 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng gần 14 tỷ đồng).
Thống kê báo cáo cho thấy luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 Chứng khoán Tiên Phong đã giao dịch rất nhiều trái phiếu “họ R&H” và ghi nhận số lỗ hơn 111 tỷ đồng trong tổng số lỗ hơn 187 tỷ đồng từ mua bán tài sản FVTPL.
Không chỉ phát sinh các khoản đầu tư mua bán trái phiếu, Tập đoàn R&H còn xuất hiện ở khoản mục phải thu dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp liên quan đến tư vấn phát hành trái phiếu 200 tỷ đồng (tăng 140 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Cũng đồng nghĩa với việc năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 Chứng khoán Tiên Phong đều có các hoạt động tư vấn phát hành cho Tập đoàn R&H.
Danh sách các khoản phải thu dịch vụ tư vấn của Chứng khoán Tiên Phong còn xuất hiện những cái tên khác như CTCP VIG Properties (233 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios (210 tỷ đồng), CTCP Vital Investments Group (175 tỷ đồng), CTCP Sài Gòn Thủ Thiêm (171 tỷ đồng) và các khách hàng khác (392 tỷ đồng). Khoản phải thu này tăng 818 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên 1.382 tỷ đồng. Câu chuyện về các khoản phải thu liên quan đến những doanh nghiệp này sẽ còn tiếp, ví dụ như các thương vụ phát hành trái phiếu lớn.
Chứng khoán Tiên Phong mới tăng vốn mạnh từ năm 2020 đến nay. Từ mức 400 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2019, gấp 5 lần vào năm 2020 lên 1.000 tỷ đồng. Năm 2021 Công ty tiếp tục tăng vốn gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn lớn cũng kéo theo hoạt động kinh doanh tăng trưởng, đặc biệt hoạt động tư vấn, mua bán trái phiếu như thông tin trên. Cùng với đó tổng tài sản, tổng nợ phải trả của công ty cũng gia tăng theo.
Kết quả kinh doanh, cộng doanh thu hoạt động năm 2021 đạt 1.436 tỷ đồng, gấp 3,7 lần năm 2020. Và lợi nhuận sau thuế năm 2021 cũng tăng 137% lên 211 tỷ đồng.
Còn quý 3/2022 cộng doanh thu hoạt động đạt 550 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. lợi nhuận sau thuế tăng 137% lên mức 70,5 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 cộng doanh thu hoạt động của Chứng khoán Tiên Phong đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% về mức 207 tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch của công ty chứng khoán trong kỳ đạt gần 27.800 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào giao dịch trái phiếu với gần 27.400 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận riêng lỗ ròng bán các tài sản tài chính FVTPL trong quý hơn 109 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm lên 297 tỷ đồng.