Đề nghị thuê mặt bằng, nhưng “lật kèo"
Theo phản ánh của bà Bình, mặt bằng 79 Láng Hạ, quận Ba Đình (Hà Nội) do bà Hoàng Thanh Bình cùng Hợp tác xã thương binh nặng 27/7 cùng đầu tư góp vốn xây dựng và kinh doanh.
Trước thời điểm tháng 6/2021, tòa nhà 79 Láng Hạ được một số doanh nghiệp thuê mặt bằng để kinh doanh và làm văn phòng.
Đến tháng 6/2021, Eximbank do có nhu cầu chuyển địa điểm kinh doanh của chi nhánh Ba Đình, nên lãnh đạo của ngân hàng này đã liên hệ, gặp gỡ trực tiếp với chủ nhà để đàm phán thuê lại tòa nhà này.
Sau quá trình thương thảo, Eximbank đã thống nhất qua 2 biên bản để thuê lại 4 tầng của tòa nhà 79 Láng Hạ, với giá thuê là 17.000 USD, tương đương hơn 393 triệu đồng.
Trong đơn thư, bà Bình cho biết: Trước khi Eximbank đề nghị thuê lại, cả 4 tầng của tòa nhà 79 Láng Hạ đều đã được lấp đầy.
Như vậy, trong trường hợp cho Eximbank thuê lại, chủ nhà bắt buộc phải thanh lý hợp đồng với những khách hàng cũ, để trả lại mặt bằng “sạch” cho Eximbank.
“Để thực hiện đúng cam kết theo 2 biên bản làm việc, chúng tôi phải đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn với các đơn vị đang thuê tại tòa nhà này, tiến hành dọn dẹp lại mặt bằng, thuê bãi đỗ xe và thuê đơn vị thi công, tháo dỡ các thiết bị, máy móc, vách ngăn theo đúng yêu cầu của Eximbank. Chi phí cho các hoạt động này lên tới hàng tỷ đồng”, bà Bình nói.
Theo thỏa thuận, bà Bình sẽ bàn giao mặt bằng cho Eximbank vào ngày 16/8/2021. Thế nhưng, đến đúng ngày giao mặt bằng, bà Bình bất ngờ khi lãnh đạo Eximbank thông báo không đồng ý về giá và vị trí thuê mặt bằng này.
Bà Bình bức xúc: “Trước ngày giao mặt bằng một ngày, ông Phạm Xuân Sáng, giám đốc Eximbank chi nhánh Ba Đình vẫn cam kết mọi chuyện diễn ra đúng thỏa thuận, tức là việc giao nhận mặt bằng vẫn theo cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến đúng ngày giao, thì “sếp” ông Sáng, là ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank lại không đồng ý thuê”.
Ngay sau đó, bà Bình nhận được văn bản thông qua tin nhắn của một lãnh đạo Eximbank khác về việc không thuê mặt bằng số 79 Láng Hạ, kèm theo đó là hình văn bản số 100/2021/EIBBĐ với lý do dịch bệnh kéo dài, nên Eximbank đã thương lượng tiếp để lùi ngày ký hợp đồng nhưng không được chủ nhà chấp nhận, nên Eximbank Ba Đình không thuê mặt bằng này.
“Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ theo thỏa thuận giữa 2 bên, bản thân tôi phải ứng tiền trước để trả lại mặt bằng “sạch”, thế nhưng Eximbank lại hành xử rất thiếu chuyên nghiệp, trái đạo đức, nhiều lần đưa ra các lý do bất nhất để lý giải cho việc không thuê mặt bằng này. Việc làm này đã gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi”, bà Bình nhấn mạnh.
Eximbank có giấu chứng cứ quan trọng ?
Sau pha “hủy kèo” vào phút cuối, bà Bình đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Eximbank để giải quyết vụ việc này. Tuy nhiên, bà Bình cho biết, phía Eximbank không có thiện chí hợp tác. nên bà Bình quyết định khởi kiện Eximbank ra Tòa án Nhân dân quận Ba Đình.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án yêu cầu cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan, trong đó có văn bản 100/2021/EIBBĐ của Eximbank.
“Văn bản này chúng tôi chỉ được nhận hình ảnh thông qua tin nhắn của một lãnh đạo Eximbank, chứ không được cầm bản gốc. Do phía tòa án yêu cầu phải có văn bản này, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Eximbank trình văn bản này, nhưng phía ngân hàng đưa ra rất nhiều lý do để giấu văn bản này đi”, bà Bình nói.
Lần đầu, bà Bình yêu cầu ông Sáng gửi văn bản gốc, tuy nhiên, ông Sáng thông báo văn bản này do Phó phòng hành chính nhân sự Eximbank giữ. Nhưng khi bà Bình liên hệ với người này, thì người này lại nói văn bản 100 đang do ông Sáng giữ.
Một lần nữa, bà Bình yêu cầu ông Sáng gửi văn bản gốc, thì lãnh đạo Eximbank lại thông báo Hội sở Eximbank đã cử người từ TP.HCM ra Hà Nội để thu giữ công văn này. Nhưng khi bà Bình liên hệ với Hội sở, thì phía Eximbank lại thông báo văn bản này đang được lưu giữ tại Eximbank chi nhánh Ba Đình.
Cũng chính vì Eximbank không cung cấp văn bản số 100, dẫn tới việc thiếu tài liệu chứng cứ, nên phía tòa án đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.
Su khi tòa án có quyết định trình đình chỉ giải quyết vụ việc liên quan tới tòa nhà 79 Láng Hạ, bà Bình tiếp tục yêu cầu thiện chí Eximbank cung cấp văn bản 100 gốc. Tuy nhiên, một lần nữa bà Bình thất vọng khi phía Eximbank vẫn từ chối đưa ra văn bản này.
Cụ thể, trong một thông báo, Eximbank cho biết: “Qua rà soát thông tin lưu tại chi nhánh, tại số công văn đi có ghi lại thông tin văn bản số 100/2021/EIBBĐ nhưng không lưu bản gốc hay bản sao thể hiện nội dung văn bản trên, nên không có thông tin về việc văn bản này đã gửi hay chưa”.
“Văn bản này là một tài liệu quan trọng, ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp liên quan tới việc thuê mặt bằng tại 79 Láng Hạ, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chúng tôi nhiều lần liên hệ với các cấp lãnh đạo của Eximbank, đề nghị gửi lại văn bản gốc, nhưng đều bất thành. Liệu có hay Eximbank cố tình tẩu tán tài liệu nhằm trốn tránh nhiệm, gây ra thiệt hại cho chúng tôi”, bà Bình nói.
Ngày 25/4, bà Bình đã có đơn tố cáo gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước với nội dung: “Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam do ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật về hành vi che giấu tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc thuê nhà 79 Láng Hạ dẫn đến vụ đang giải quyết tòa án buộc phải đình chỉ”.
Ngày 26/5, bà Bình nhận được phiếu chuyển đơn tố cáo của thanh tra Ngân hàng Nhà nước đến tòa án Nhân dân quận Ba Đình để xem xét giải quyết và thông báo tới ngân hàng Nhà nước.
“Như vậy, sau một vòng tố cáo, vụ việc lại đi vào ngõ cụt, vì bản chất, chúng tôi phải rút đơn khởi kiện chỉ vì lý do Eximbank không cung cấp văn bản gốc, nhằm che giấu tài liệu chứng cứ trong vụ kiện này”, bà Bình bức xúc nói.
Eximbank nói gì?
Ngày 7/6/2022, Eximbank đã có văn bản 4454, về các thông tin trao đổi liên quan đến việc đàm phán thương lượng thuê mặt bằng tại tòa nhà số 79 Láng Hạ.
Trong văn bản này, Eximbank cho biết có 2 lý do khiến ngân hàng không thuê mặt bằng số 79 Láng Hạ.
Thứ nhất, Eximbank nhận thấy vị trí của tòa nhà không phù hợp, và giá thuê quá cao so với mặt bằng chung trong khu vực tại thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Thứ hai, Eximbank thấy hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và quy trình nội bộ của Eximbank. Do đó, Eximbank chưa có cơ sở để phê duyệt thuê mặt bằng này.
Eximbank nhấn mạnh: Ngân hàng mới chỉ trong giai đoạn đàm phán, thương lượng các vấn đề có liên quan để làm cơ sở trình duyệt. Đặc biệt, trong 2 biên bản làm việc, Eximbank cũng không yêu cầu bà Hoàng Thanh Bình phải đơn phương, chấm dứt hợp đồng trước hạn với đơn vị đang thuê nhà tại 79 Láng Hạ. Do đó, việc bà Bình tiến hành dọn dẹp mặt bằng là sự tự nguyện.
Còn vấn đề cung cấp tài liệu, Eximbank cho rằng đã và sẽ thực hiện đầy đủ và đúng nghĩa vụ cung cấp hồ sơ theo quy định trong quá trình giải quyết vụ việc tại các cơ quan có thẩm quyền.
Cam kết thường được xác lập trong một số giao dịch dân sự. Pháp luật dân sự tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể xem cam kết là hành vi pháp lý đơn phương, nội dung cam kết thể hiện ý chí tự ràng buộc của người viết cam kết với điều khoản đã cam kết. Nếu phát sinh thiệt hại cho phía người có quyền do người cam kết không thực hiện nghĩa vụ dân sự đã cam kết thì người cam kết phải bồi thường. Giao dịch dân sự ở đây gọi là cam kết giữa Eximbank và bà Hoàng Thanh Bình, chủ tòa nhà 79 Láng Hạ là có hiệu lực pháp lý bởi thỏa mãn các điều kiện sau:
- a) Chủ thể là Eximbank có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Lê Hồng Tuân – Công ty TNHH luật Linh Anh.
|