Hiện nay một số ngân hàng đã tự động cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng (KH) là những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 theo nhận định và đánh giá của ngân hàng, tuy nhiên thay vì bị động chờ đợi ngân hàng, mọi người có thể chủ động thực hiện việc này bằng cách liên hệ với chuyên viên tín dụng (CVTD) để được cung cấp mẫu biểu “Đề nghị hỗ trợ KHDN” đối với KH là doanh nghiệp hoặc “Đề nghị hỗ trợ KHCN” đối với KH là cá nhân.
Sau khi điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu và chuẩn bị đầy đủ các chứng từ chứng minh mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sụt giảm doanh thu và thu nhập, mọi người gửi toàn bộ hồ sơ này cho CVTD để họ tiến hành thực hiện các bước tiếp theo.
Mục đích của việc chủ động thực hiện đề nghị này là ngoài việc có thể được ngân hàng hỗ trợ sớm hơn, còn có ý nghĩa giúp cho ngân hàng hiểu rõ mức độ bị ảnh hưởng của mọi người, từ đó sẽ có những phương án hỗ trợ phù hợp hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, thông thường các ngân hàng đang có 3 phương án hỗ trợ KH như sau:
1. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vẫn trả bình thường theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, không cơ cấu lại thời hạn trả nợ lãi, không miễn/giảm lãi;
2. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi, không miễn/giảm lãi;
3. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi, miễn/giảm lãi.
# PHƯƠNG ÁN 1: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vẫn trả bình thường theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, không cơ câu lại thời hạn trả nợ lãi, không miễn/giảm lãi.
Ý nghĩa: KH sẽ không phải trả nợ gốc trong khoảng thời gian tối đa 12 tháng đối với KHDN và tối đa 6 tháng đối với KHCN kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Về nội dung này, xin mọi người lưu ý đến 2 việc:
Thứ nhất “Không phải trả nợ gốc trong khoảng thời gian tối đa x tháng” không phải là mọi người được miễn hoàn toàn nợ gốc của x tháng đó, mà là trong khoảng thời gian x tháng này, mọi người chỉ trả lãi, còn số tiền gốc sẽ được chia đều cho khoảng thời gian còn lại của khoản vay;
Thứ hai “Khoảng thời gian tối đa” là thời gian tối đa mà ngân hàng cơ cấu nợ cho KH và tùy vào từng trường hợp KH khác nhau sẽ có thời gian cơ cấu nợ khác nhau nhưng không vượt quá khoảng thời gian này.
Điều kiện áp dụng: Một số hồ sơ cơ bản cần cung cấp cho ngân hàng khi đề nghị cơ cấu nợ như sau:
A. Đối với KHCN:
- Nguồn thu từ lương: Bản photo hoặc hình chụp các chứng từ như Quyết định nghỉ việc/tạm nghỉ việc/Thông báo nghỉ việc/Quyết định điều chỉnh lương hoặc sao kê lương/sổ phụ tài khoản/Thông báo hoặc nguồn thông tin đại chúng thể hiện nơi KH làm việc bị ngừng/tạm ngừng hoạt động/chứng từ tương đương khác.
- Nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh: Văn bản/hình chụp chứng minh cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng/tạm ngừng hoạt động/chứng từ tương đương khác.
- Các tài liệu khác mà KH có thể cung cấp và chứng minh được sự ảnh hưởng (nếu có).
B. Đối với KHDN:
- Lợi nhuận suy giảm: Tờ khai VAT hiện tại và cùng kỳ năm trước.
- Khả năng thanh khoản kém: Chứng từ chứng minh việc bị đối tác thanh toán chậm hoặc hàng tồn kho bị chậm luân chuyển.
- Dòng tiền bị đứng: Chứng từ chứng minh dòng tiền bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
- Sự bất ổn: Thay đổi nhân sự cao cấp, cơ cấu cổ đông/thành viên góp vốn bị ảnh hưởng nên không thể tiếp tục điều hành doanh nghiệp (DN), v.v…
# PHƯƠNG ÁN 2: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi, không miễn/giảm lãi
Ý nghĩa: Tương tự như ý nghĩa của phương án 1, tuy nhiên ở phương án 2 thì trong thời gian cơ cấu thì mọi người không cần phải trả lãi, tức là ở Phương án này mọi người sẽ không cần phải trả cả gốc lẫn lãi, số gốc và lãi này sẽ được chia đều cho khoảng thời gian về sau.
Điều kiện áp dụng: Như ở phương án 1, tuy nhiên mọi người cần phải cung cấp hồ sơ đầy đủ, chi tiết và rõ ràng hơn.
# PHƯƠNG ÁN 3: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi, miễn/giảm lãi
Ý nghĩa: Tương tự như phương án 2, tuy nhiên ở phương án 3 thì một phần/tất cả số tiền lãi trong thời gian cơ cấu sẽ được ngân hàng giảm/miễn cho mọi người. Như vậy, sau 30 năm thì tổng số tiền gốc phải trả của cả 3 phương án đều bằng nhau nhưng tổng số tiền lãi của Phương án 3 sẽ thấp hơn so với Phương án 1 & 2.
Điều kiện áp dụng: Như ở phương án 2, nhưng bắt buộc phải có chứng từ chứng minh cụ thể và thỏa mãn các tiêu chí sau:
A. Đối với KHCN:
- KH và vợ/chồng KH (nếu có) hiện tại đã bị mất việc/tạm nghỉ việc;
- Cơ sở kinh doanh là nguồn thu duy nhất để trả nợ của KH đã bị đóng cửa/phá sản;
- KH mất toàn bộ nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
B. Đối với KHDN:
- Cung cấp được chứng từ chứng minh doanh thu bị sụt giảm từ 70% trở lên so với cùng kỳ năm trước là do Covid-19;
- KH được xếp hạng tín dụng từ loại tốt trở lên tại thời điểm phê duyệt tín dụng ban đầu;
- Dư nợ tín dụng tại ngân hàng đề nghị cơ cấu nợ chiếm từ 70% tổng dư nợ tín dụng của DN;
- Doanh số giao dịch qua tài khoản tại ngân hàng đề nghị cơ cấu nợ chiếm ít nhất 70% doanh thu của DN;
- Cung cấp được chứng từ chứng minh thu nhập còn lại không đủ để trả gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết này, hy vọng Covid-19 sẽ nhanh chóng bị dập tan, cuộc sống của chúng ta sẽ sớm ổn định trở lại.
Nguồn: Nguyễn Việt Hưng