|
|
SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất trong tháng 9/2021. (Nguồn: Vietnamnet) |
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:
Gửi tiết kiệm Kỳ hạn từ 1-3 tháng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ mức lãi suất lần lượt là 6,35% và 6,45%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6,8%.
Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như 13, 18, 24, 36 tháng, ngân hàng SCB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đại chúng Việt Nam (PVCom), Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga (VRB) có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6,95% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7,0% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:
Kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn lên đến 5,5% bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), SCB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất từ 5-5,5%
Những kỳ hạn từ 6-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất. Cụ thể, SCB niêm yết kỳ hạn 6 tháng: 8,21%, 9 tháng: 8,36%, 12 tháng: 8,66%, 18-24-36 tháng: 8,76%.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1-2%.
Người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 6/2021, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5/2021. Còn lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3).
Dù số liệu cho thấy, người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6 năm nay nhưng mức này lại thấp nhất so với cùng kỳ trong gần một thập niên trở lại đây. Con số này của cùng kỳ năm 2019 và 2020 lần lượt là 348.400 tỷ và 245.850 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm. 2016-2020 cũng là thời điểm lãi suất huy động tăng vọt lên mức cao, có lúc trên 20%/năm.
Thời kỳ những năm 2013 và 2014, khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tăng 2,34% tại tháng 4/2021.
Trước đây, gửi tiết kiệm vào ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Nhưng mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Dữ liệu do Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, cao hơn mức 6,5% của năm 2020.
Trong đó có không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng mồi nhử lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.
Lãi suất cho vay thấp nhất 2 năm qua
Mới đây, nhiều ngân hàng thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất cho vay này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với việc giảm lãi suất lần này, các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm - mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng cắt giảm lợi nhuận, đồng loạt giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai. Bởi khi các doanh nghiệp không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của nhà băng.
Việc hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu là cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, là điều mà các khách hàng mong mỏi.
Dịch Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó, lãi suất các khoản vay đang là gánh nặng với họ. Thực tế, dù ngân hàng đã giảm lãi suất với một số khoản vay nhưng lãi suất doanh nghiệp phải trả vẫn cao.
Với việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ trong ngắn hạn, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021 khó có thể hạ sâu hơn.
Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ không có nhiều thay đổi giai đoạn này. Lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.