|
|
Để loại bỏ hàng giả, hàng nhái gần đây các ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt hơn song rất cần thêm sự chung tay của người tiêu dùng. Ảnh: TL. |
Thương mại điện tử đang là "mảnh đất màu mỡ" để nhiều đối tượng lợi dụng bán các loại hàng hóa kém chất lượng mặc dù các cơ quan quản lý luôn rốt ráo xử lý các vi phạm. Để loại bỏ hàng giả, hàng nhái gần đây các ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt hơn song rất cần thêm sự chung tay của người tiêu dùng trong lên tiếng phản hồi khi mua phải các sản phẩm này.
Mới đây Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, ngành hàng nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về kinh doanh thương mại điện tử. Theo Bộ Công Thương, việc phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử bên cạnh mặt tích cực cũng có hệ lụy khi kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, hành lang pháp lý về thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP dù được xây dựng khá chi tiết, nhưng thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung theo hướng mạnh tay hơn với các vi phạm. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, việc sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử tại Điều 30 Nghị định 52 sẽ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.
Đáng chú ý, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử tại Điều 36; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử tại Điều 38 để đồng bộ với việc bổ sung tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử.
Liên quan đến những sửa đổi này, các sàn thương mại điện tử thừa nhận, một trong những thử thách của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chính là niềm tin của khách hàng chưa cao. Chính vì vậy, các sàn thương mại điện tử rất đồng tình với những quy định, chính sách giúp minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, việc bổ sung chế tài nặng hơn sẽ tạo khung pháp lý tốt để hạn chế, tiến tới chấm dứt các hành vi kinh doanh gian lận trong hoạt động thương mại điện tử, giúp cho môi trường kinh doanh điện tử được lành mạnh và uy tín hơn.
Cùng với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình “Giải quyết khiếu nại quyền sở hữu trí tuệ” và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh và loại bỏ hàng giả/hàng nhái theo trình tự pháp luật.
Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm mới được đăng bán và sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn được Shopee thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng.
Công ty này còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt là áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ - tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng shop.
Theo đó, shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee và hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khóa tài khoản bán hàng trong 28 ngày.
Về phía Tiki, theo ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc Kinh doanh sàn thương mại điện tử này, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Tiki đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn Tiki. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.
Dù quy định pháp luật đã có và doanh nghiệp cũng đã vào cuộc song các sàn thương mại điện tử cho rằng, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp.
Chúng ta có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. Cũng như kiểm tra kỹ thông tin về người bán sản phẩm: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến và thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng.
Mặt khác, người tiêu dùng cần lưu trữ các thông tin giao dịch một cách đầy đủ. Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp khi xảy ra.