vinamik-giam-loi-nhuan-1647908685.jpg

Nhân viên Vinamilk đang làm việc trong một nhà máy sản xuất sữa, tháng 8/2021. Ảnh: VNM

Năm nay, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 64.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong khi chỉ tiêu doanh thu tăng gần 5% so với năm ngoái, lợi nhuận lại được dự đoán đi lùi hơn 7%. Nếu không vượt kế hoạch đề ra, năm nay sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.

Từ khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng lãi trước thuế vào năm 2016, Vinamilk không giữ được phong độ tăng trưởng tốt như giai đoạn trước. Năm 2018, lợi nhuận doanh nghiệp giảm nhưng ở mức nhẹ gần 1,5% chủ yếu do giá vốn tăng nhanh. Trong hai năm tiếp theo, kết quả kinh doanh của Vinamilk tăng chậm rãi. Đến năm ngoái, tổng doanh thu hợp nhất lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 4,4% với cùng lý do như giai đoạn trước.

6-1647764040-width1004height565-auto-crop-1647908755.jpg

Báo cáo thường niên của doanh nghiệp chỉ ra, Vinamilk phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức liên quan tới tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa thức ăn chăn nuôi leo thang, giá cước vận tải tăng cao...

Về tổng thể, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30-40% trong năm ngoái và chưa có dấu hiệu giảm trong năm 2022. Giá nhập khẩu tăng kéo theo trong nước tăng, trong đó nguồn thức ăn thô xanh phải cạnh tranh quyết liệt về giá và nguồn cung. Ngoài ra, cước phí vận chuyển trong nước tăng khoảng 20%, quốc tế tăng khoảng 500% đã góp phần đẩy chi phí sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao.

Hoạt động thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk từ hộ chăn nuôi ở một số địa phương gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, một số loại không có nguồn cung nên khẩu phần ăn của bò thay đổi làm ảnh hưởng nhiều đến chăn nuôi nông hộ, dẫn tới nhiều hộ nông dân buộc phải dịch chuyển ngành nghề.

Về dài hạn, Vinamilk muốn đạt 86.200 tỷ đồng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu giai đoạn 2022-2026 dự kiến đạt 7,2%.

Để hoàn thành kế hoạch, doanh nghiệp này trước hết đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hướng đến phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp bền vững.

"Ông lớn" ngành sữa cũng khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A, liên doanh hoặc đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, công ty cũng tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ.

Trong năm ngoái, thị trường xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Công ty cũng phát triển thêm 2 thị trường mới tại châu Mỹ và châu Á, nâng tổng số thị trường xuất khẩu lên 57 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lũy kế hơn 2,6 tỷ USD.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong 2-3 năm tới, VNM không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù công ty đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Chiến lược mới như mở rộng sang các mảng khác kỳ vọng đến năm 2023-2024 mới có thể đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Sản xuất thịt bò được VCBS xem là mảng tiềm năng nhất để tăng trưởng cho Vinamilk từ năm 2023-2024. Mảng kinh doanh mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số sau khi hoạt động chính thức. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên hoạt động có thể đạt 2.000 tỷ đồng. Trước mắt trong năm nay, Vinamlik sẽ thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản để bán.

Nguồn
Link bài gốc