HAG - nguy cơ bị hủy niêm yết?

Thông tin về việc huỷ niêm yết HAG chính thức được đưa ra thị trường ngày 27/1/2022, khi ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL cho biết, đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ. Căn cứ vào nghị định 155/2020 do Chính phủ ban hành, HAGL rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục.

leftcenterrightdel
 Trước nguy cơ cổ phiếu HAG bị huỷ niêm yết, "số phận" các cổ đông hiện chưa biết sẽ ra sao?

Ngay lập tức, doanh nghiệp HAGL đã có văn bản xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE với lý do: hầu hết các cổ đông nắm giữ cổ phiếu HAG đều mua dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai, chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách 3 - 5 năm.

Lãnh đạo công ty đưa ra giải thích tình hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhiều khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng đã được tất toán, năm 2021 công ty có lãi hơn 120 tỷ đồng và dự kiến năm nay lợi nhuận sẽ vượt 1.100 tỷ đồng. Do vậy HAGL cũng đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho phép công ty được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi mới xem xét đến việc hủy niêm yết.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Dân trí, đề xuất này của doanh nghiệp phố núi không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về thị trường chứng khoán.

“Số phận” cổ đông của CTCP Hoàng Anh Gia Lai?

Thống kê từ các Công ty chứng khoán cho biết hiện nay HAG có khoảng hơn 30.000 cổ đông lớn nhỏ. Trong khi đó, ghi nhận hết phiên giao dịch sáng ngày 15/2/2022, cổ phiếu HAG giảm sàn về giá 10.750 đồng. Dư bán hơn 24 triệu cổ phiếu với tình trạng trắng bên mua.

Việc cổ phiếu “lao dốc” khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng khiến cho các cổ đông “đứng ngồi không yên”.

Ngày 14/2/2022, một nhóm cổ đông đã làm đơn kêu cứu đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Bộ Tài chính; UBCK Nhà nước; Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị làm rõ thông tin cổ phiếu HAG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ bị hủy niêm yết vì làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp.

leftcenterrightdel
 Nhóm cổ đông gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Ảnh: Doanh nhân & Pháp luật

Trong đơn kêu cứu, các cổ đông của HAG cho biết, họ đầu tư từ sau thời điểm có BCTC đã kiểm toán năm 2020 (ban hành vào tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý nhưng giờ lại xuất hiện thông tin về việc “lôi chuyện cũ ra xử” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với các nhà đầu tư sau tháng 4/2021?

“Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ công ty HAG cho thấy về một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp hàng chục lần lần năm 2021 nên chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào cổ phiếu này. Vì vậy nếu HoSE đột nhiên thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước sẽ gián tiếp “giết chết” các cổ đông, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư”, các nhà đầu tư trình bày trong đơn.

Nhóm cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu HAG cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán và trả lời rõ cho cổ đông nếu hủy niêm yết cổ phiếu HAG thì căn cứ vào đâu, quy định, điều luật nào để hủy?

Phân tích thực tế hiện nay cho thấy cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai đang ở trong trạng thái bấp bênh vì công ty đối diện nguy cơ hủy niêm yết. Nếu như cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết, các cổ đông sẽ đối mặt với tình trạng mất thanh khoản khi giao dịch dẫn đến tình trạng có rất nhiều nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu HAG trước khi mã này chính thức bị hủy niêm yết. Điều này sẽ làm cho cổ phiếu HAG trên thị trường chứng khoán bị giảm giá, đẩy các nhà đầu tư vào nguy cơ thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông.

HOSE chưa có thông báo chính thức

Hiện tại câu chuyện về cổ phiếu HAG vẫn đang là chủ đề nóng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên tất cả các thông tin mới chỉ đang dừng lại ở mức độ đồn đoán. Phía cơ quan chức năng cũng như HOSE vẫn chưa có thông báo chính thức nào về sự việc này.

Trong hai phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HAG cũng có những diễn biến đáng chú ý. Trong phiên ngày 14/02, mã này giảm sàn từ đầu phiên và kết phiên với dư bán sàn hơn 15 triệu cổ phiếu. Đến phiên ngày 15/02, cổ phiếu HAG tiếp tục nằm sàn buổi sáng nhưng đến đầu phiên chiều đã được "giải cứu" nhờ lực mua mạnh. Kết phiên, cổ phiếu dừng ở mức giá 11,650 đồng/cp (tăng 0.87%), khối lượng giao dịch gần 38.6 triệu cổ phiếu.

Theo như quy định tại khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buộc. Một trong những yếu tố dẫn đến việc doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc là "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

 

https://kinhdoanhvaphapluat.com.vn/tai-chinh-dau-tu/neu-hag-bi-huy-niem-yet-so-phan-cac-co-dong-ra-sao-82313.html

Nguồn
Link bài gốc