Tôi từng rơi vào cái bẫy mua sắm online nên khá hiểu chuyện. Nhớ thời mới đi làm cách đây vài năm, tôi được nhận vào làm việc ở một công ty có trụ sở văn phòng tại một toà nhà sang chảnh ở Sài Gòn. Công việc tuy khá áp lực nhưng bù lại tôi nhận được thu nhập rất tốt. Có thể nói, thời điểm đó tôi là người có lương cao nhất trong đám bạn chơi chung hồi đại học.

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa) 

Nhưng có một cái bẫy mà nhiều người trẻ như tôi, cũng như nhiều bạn mắc phải đó là bệnh nghiện mua sắm hàng online. Đối tượng dễ dính bẫy nhất đó là nhân viên văn phòng. Nhóm bạn này suốt ngày ngồi ở máy tính, lướt điện thoại nên dễ mắc phải.

Nhớ có lúc tôi rất thích một chiếc váy của một cửa hàng online trên Facebook. Tôi cứ tìm kiếm và liên lục click vào để ngắm nghía xem kiểu dáng có hợp với mình không? Đường kim mũi chỉ thế nào? Ban đầu tôi cũng không định mua chiếc váy này.

Tuy nhiên dường như các nền tảng online khá hiểu tâm ý của người dùng, các post quảng cáo cứ liên tục thập thò, xuất hiện trên newsfeed khiến tôi cầm lòng không được, thế là phải đặt hàng, rồi nhận hàng. Rồi tôi cũng đâu ngó ngàng tới chiếc váy khi đã nhận được hàng. Đứng trên chiếc váy, tôi lại ngó qua cái túi xách. Quá thích cái túi xách, thế là tôi lại đặt hàng. Mỗi lần vung tiền mua sắm online như thế, tôi lại tự nhủ, xem đó như là món quà, vì mình xứng đáng sau tháng ngày làm việc vất vả.

Hậu quả cho cả năm tung tiền đi mua sắm online là cuối năm đó, khi tổng kết lại thu nhập từ công ty, tôi suýt choáng vì số tiền cả trăm triệu đồng nhưng giờ lại vừa đủ mua vé về quê và một ít quà cho ba mẹ.

Bây giờ, nhìn mấy chị, mấy bạn và mấy em đồng nghiệp nghiện mua sắm online mà tôi phát hoảng. Thang máy toà nhà văn phòng của tôi lúc nào cũng hoạt động, vì hầu như thời điểm nào cũng thấy người dùng để đi nhận hàng từ shipper. Có cô chị đồng nghiệp của tôi nghiện mua ốp điện thoại. Dù đã có hàng chục cái rồi nhưng cứ thấy shop ra mẫu mới, in hình mới là ào vào mua. Có khi không dùng đến.

Hay như một đứa em đồng nghiệp vừa ký hợp đồng chính thức với công ty là đã làm thẻ tín dụng để mua đồ online trả góp. Tháng nào cũng chuyển tiền trả thẻ thì lương đã vơi đi ít nhiều rồi. Cá biệt, đợt các sàn thương mại điện tử sale off thì có một chị đồng nghiệp nhận 15 đơn hàng trong buổi sáng, khiến cả công ty phải "ngưỡng mộ". Nhưng chuỗi ngày sau đó của chị là đi van nài các chị em để thanh lý lại đồ, mong thu hồi vốn. Vì có những thứ treo bán online "nhìn hay hay", thấy "thích thích" nhưng mua về rồi lại thấy không hợp, không xài được. Đến lúc chị ấy than: Nếu ai hỏi lương đâu thì sẽ chỉ vào đống hàng đã mua ở nhà.

Tâm lý thích mua sắm online, thích đặt hàng có thể giải quyết được chứng stress của dân văn phòng, đem lại niềm vui nhất thời. Với sự hỗ trợ giảm giá, cà thẻ tín dụng online lại khiến nhiều bạn trẻ có được sự tiện lợi để "mua hàng vì đam mê" chứ không xài của mình hơn. Nhưng được cái này thì mất cái kia, khoản tiền bỏ ra hàng tháng để đổi lại niềm vui phút chốc có khi lại khiến nhiều bạn túng tiền, vì nó phá hỏng các kế hoạch tài chính, cũng như thói quen tiết kiệm.

Chia sẻ trên đây của độc giả Khánh Trang có lẽ cũng là câu chuyện chung của nhiều người trẻ hiện nay. Tuy nhiên các bạn cần nhất định phải nhớ rằng tới khi nào bạn dư giả tiền bạc, dù đi du lịch, đi chơi vẫn kiếm ra tiền thì lúc đó hãy tự do mua sắm. Chứ đừng đua đòi sang chảnh, vung tay theo hứng thú để rồi sau này về già không một xu dính túi.

Theo Vnexpress
Nguồn
Link bài gốc