Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Vì vậy, các sản phẩm hàng hóa có khả năng ngăn ngừa hoặc tiêu diệt Covid-19 cũng vì đó mà nổi lên như “nấm mọc sau mưa”.

Hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã cho ra đời sản phẩm ăn theo mùa dịch, phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng. Không chỉ các loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng… mà nhiều sản phẩm điện tử (ví dụ như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…) vốn rất đỗi bình thường được quảng cáo có khả năng ngăn ngừa, thậm chí tiêu diệt virus gây bệnh Covid-19 xuất hiện tràn ngập trên thị trường.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương đã bất ngờ đăng tải thông tin khuyến cáo một số sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa và diệt virus Corona, Covid-19, Sars-Cov-2. 

Thông tin từ Cục CT&BVNTD nêu rõ, cơ quan này đã tiến hành rà soát và thu thập, đánh giá một số thông tin về sản phẩm đồ điện gia dụng (như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…

 

Trong đó, có các sản phẩm như Máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ; Máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; Quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; Máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng...

Qua rà soát, đánh giá, Cục CT&BVNTD nhận thấy nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus Covid-19 của các doanh nghiệp này chủ yếu căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (chất liệu, diện tích, thể tích, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí bị kiểm soát và một số điều kiện đặc biệt khác), chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.

Nhằm mang đến cho người dùng thông tin rõ ràng, khách quan về sự việc cũng như góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã khởi đăng tuyến bài “Lật tẩy sản phẩm điện tử “thổi phồng” công năng diệt Covid-19, “trục lợi” trên nỗi sợ người dân”, trong đó đi vào từng sản phẩm cụ thể như sau:

Thiết bị dùng công nghệ Airocide của Công ty Việt Mỹ có tiêu diệt được Covid-19 như quảng cáo?; Quảng cáo 'nổ' công dụng diệt Covid-19 bị vạch trần, Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ nói gì;

Quảng cáo công nghệ lọc khí Nanoe™ X ức chế Covid-19, Panasonic Việt Nam căn cứ vào đâu?; Quảng cáo sản phẩm có khả năng diệt Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng có đang lừa dối người dùng?;

Đồng thời thực hiện tham vấn ý kiến luật sư liên quan đến mức phạt và doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt cho hành vi của mình: Luật sư nói gì về mức xử phạt doanh nghiệp phải đối mặt khi quảng cáo ‘trục lợi’ công dụng sản phẩm tiêu diệt Covid-19?

Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), chị Thanh Tú (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Quả thực cảm ơn báo chí cũng như cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo, giúp người tiêu dùng nhận diện được đâu là những sản phẩm tốt, đâu là những sản phẩm quảng cáo “vống” công dụng. Nếu không đọc được những thông tin cảnh báo như này, chúng tôi mặc nhiên sẽ nghĩ rằng các sản phẩm kia có khả năng tiêu diệt, ngăn ngừa Covid-19”.

Một người dùng khác cũng bức xúc lên tiếng: “Dịch bệnh như thế này kiếm được đồng tiền đã khó, nhưng có tiền mà mua được sản phẩm chất lượng để sử dụng cũng không phải chuyện đơn giản.

Đọc các bài viết tôi mới ngỡ ngàng, rằng hầu như phần công dụng tiêu diệt, ngăn ngừa Covid-19 mà phía doanh nghiệp quảng cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi vì thực chất có những sản phẩm chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định hay chưa cho phép quảng cáo như vậy. Đơn cử như Máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam hay công nghệ Airocide của Công ty Việt Mỹ. Với cách quảng cáo nhập nhằng như vậy, chẳng khác nào một cú lừa, khiến nhiều người dùng chưa hiểu rõ về công dụng đã tới tấp xuống tiền”.

Về phía các doanh nghiệp được Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) phản ánh trong tuyến bài cũng đều thừa nhận hành vi quảng cáo vi phạm của mình, đồng thời có các động thái cải chính lại thông tin theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, trước “rừng” thông tin liên quan đến các sản phẩm tiêu diệt, ngăn ngừa Covid-19, hôm nay là doanh nghiệp này nhưng ngày mai rất có thể có những doanh nghiệp khác vẫn “ngựa quen đường cũ”, vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm. Vì vậy, người tiêu dùng cần chuẩn bị có mình một cái đầu lạnh, sự thông thái cần thiết, đồng thời khi thấy các dấu hiệu bất thường khi mua và sử dụng sản phẩm, có thể trình báo cơ quan chức năng hoặc gửi thông tin đến cơ quan báo chí nhằm làm rõ sự việc, như một lời cảnh tỉnh cho cả xã hội.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Văn Biên (Đoàn LS TP.Hà Nội) phân tích, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để trục lợi, kinh doanh bất chính. Cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi những hành vi quảng cáo trái pháp luật, có biện pháp xử lý phù hợp như: gửi văn bản cảnh báo, nhắc nhở hành vi quảng cáo trái phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp cố ý không thay đổi nội dung, hình thức quảng cáo cho đúng quy định của pháp luật. Những việc làm này sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, củng cố niềm tin của khách hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/bai-cuoi-nguoi-dung-can-tinh-tao-truoc-chieu-tro-quang-cao-truc-loi-cong-dung-san-pham-diet-covid-19-d198276.html