Tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền, HOSE: KDH) công bố phát hành riêng lẻ tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 12%/năm. Thời gian phát hành chậm nhất quý III năm nay, ngày cụ thể do Tổng Giám đốc quyết định.
Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải ngân dự kiến chậm nhất đến hết quý III/2021, sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là khối bất động sản. Việc vay tiền ngân hàng có nhiều hạn chế do kiểm soát hồ sơ cho vay, nợ xấu nên nhiều doanh nghiệp tìm cách huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Theo thống kê của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành lớn nhất, chiếm 42,3% tổng khối lượng phát hành, tiếp theo là doanh nghiệp bất động sản, chiếm 24,8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 6 tháng đầu năm.
Theo Vụ Tài chính ngân hàng, với quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ đã giảm mạnh so với năm 2020.
Tuy nhiên, trên thị trường có hiện nhà đầu tư mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Vì vậy, Vụ Tài chính ngân hàng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
"Đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo", Vụ Tài chính ngân hàng nhấn mạnh.
Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
"Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", Vụ Tài chính ngân hàng khuyến cáo.
Về tình hình tài chính của Nhà Khang Điền, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa công bố, công ty này ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.948 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, tăng 15,7% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2021, Nhà Khang Điền đặt kế hoạch doanh thu là 4.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,9% và 4,2% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 40,6% mục tiêu về doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Nhà Khang Điền ở mức 14.024 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho đạt 7.341 tỷ đồng, chiếm 52% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.733 tỷ đồng, chiếm 26,6%. Như vậy, riêng hai khoản này đã chiếm xấp xỉ 80% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp không bán được hàng nên tỷ trọng hàng tồn kho sẽ tăng nhanh, đặc biệt là khối bất động sản.
Về cơ cấu nguồn vốn, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn của Nhà Khang Điền là 14.024 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm tới 5.348 tỷ đồng; tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 40% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 745 tỷ đồng lên 2.590 tỷ đồng và chiếm 18,5 % tổng nguồn vốn.
Một điểm lưu ý trong báo cáo tài chính của Nhà Khang Điền là việc dù lợi nhuận có tăng trưởng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty lại âm nặng.
Cụ thể, trong quý II/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Khang Điền âm tới 841 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 454 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 16,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 26,7 tỷ đồng.
Trước đó, dòng tiền kinh doanh của Nhà Khang Điền cũng nhiều năm âm. Năm 2018 dòng tiền âm 718,95 tỷ đồng, tới năm 2019 âm 163,5 tỷ đồng và năm 2020 dương trở lại 162,6 tỷ đồng, nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2021 đã âm hơn 840 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.
Về lâu dài, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.